Thursday, September 15, 2016

Chương-1






Chương 1
Ông nội tôi vốn là người Tiều Châu chánh gốc từ bên Tàu sang Việt Nam lập nghiệp lúc ông khoảng ngoài hai mươi tuổi.  Ông đã lập gia đình ở bên đó, nhưng chưa có con.  Trong lúc kinh tế khủng hoảng nơi vùng quê đang ở.  Ông tôi một mình quảy bị theo đoàn người tìm đường sống.  Đa số người vùng nầy đi dần về phía Nam qua đường biển.  Sau nhiều lần đi đó đây buôn bán trong tỉnh Trà Vinh.  Cuối cùng ông định cư tại làng Long Hiệp và lập gia đình với bà nội sau nầy của tôi tại đây cũng gốc người Tàu nhưng đã ở đây từ đời ông cố.  Hình như số người Tiều Châu có nhiều nhất là ở Bạc Liêu và Trà Vinh: “Bạc Liêu đất ruộng phì nhiêu, dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu”. Có nhiều sử gia viết rằng: “Do sự buôn bán qua lại bằng đường biển, số người Tàu sinh sống tại Mã Lai thường ghé vào vùng biển Bạc Liêu và Trà Vinh, đa số là người gốc Tiều Châu.  Một số lên bờ định cư tại đây vì là vùng đất mới dễ khai thác và rất trù phú.  Một số khác gồm nhiều nhóm di dân như: người Tàu, người Việt đổ xuống bằng đường bộ.  Người Việt từ các miền phía Bắc, Trung đi về Nam, đa số những người đi về phương Nam là do bất mãn với quan quân ngoài đó hoặc những người tứ chiến giang hồ ưa thích mạo hiểm, muốn ra đi tìm đất mới để sống.  Cuộc di dân nhiều nhất là vào thời Gia Long thua nhà Trịnh bôn chạy về phương Nam. Trong thời gian nầy chúa Nguyễn lo bành trướng thế lực, mở mang thêm đất đai đi dần về phương Nam. Cũng theo sử học, vùng đất nầy trước đây của người Phù Nam rộng lớn bao gồm nước Thủy Chân Lạp và một phần lãnh thổ của vương quốc Cambochia. Chúa Nguyễn một mặt phái các quan quân mở rộng đất đai, một mặt chiêu dùng những người Minh chạy trốn triều đình Mãn Thanh, thường được gọi là người Minh Hương. 


Theo một cách nghĩ nào đó thì người Minh Hương cũng có công trong cuộc mở mang của vùng đất phương Nam nầy.  Họ thành lập các Trấn, Bang, Hội trên phần đất lấn chiếm được của dân tộc Phù Nam.  Các vùng trên có Trấn Gia Định, lan xuống Mỹ Tho... Các vùng dưới như vùng đất Hà Tiên, lập nên trấn Hà Tiên thời Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ.  Các vùng đất thuộc Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh thì số người Tàu lập các Bang, Hội riêng theo từng nhóm dân như Quảng Đông, Phúc Kiến, Tiều Châu, Hẹ... Đa số các nhóm dân nầy thường sống bằng nghề buôn bán, mở tiệm buôn: Tiệm thuốc Bắc, tiệm tạp hóa hoặc các quán ăn như hủ tiếu, cơm dĩa... Các cơ sản xuất nhỏ như làm tương, chao, đậu hũ.  Các nhà máy xay lúa, các chành lúa… Nhóm người di dân Tàu sống theo các bờ sông rạch, khu đông dân cư có chợ búa để tiện việc buôn bán hoặc dễ giao lưu khắp các vùng. Số người Việt nhiều nhất ở các vùng ven biển, phần đất mới bồi như ở các Láng, Bãi, Cồn, Cù Lao: Mé Láng, Láng Thé, Láng Chim, Láng Cò, Láng Sắt…, Bãi Vàng, Bãi Giá, Cồn Cù, Cồn Ngao, Cồn Lợi…, Cù Lao Long Hòa, Cù Lao Dung. Các vùng ven nầy chạy bọc tuốt qua miệt Cầu Quan, Tiểu Cần …Ở những nơi đó nhiều địa danh mang sắc thái Việt qua các địa danh như: Long Sơn, Long Vĩnh, Long Toàn, Long Hòa…Nhưng di dân nầy là người của các vùng như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi …Cho nên các nơi nầy có Chùa, Nhà Thờ…Sự sinh hoạt cũng đa dạng hơn: như đánh cá, làm rẫy, làm củi, làm muối…. Khác hẳn với nhóm người Tàu & Việt, người Khơme sống sâu bên trong, nơi vùng đất hình thành đã lâu năm, họ thường sống bằng nghề làm ruộng và làm rẫy. Một số còn lại Tàu, Việt, Khơme sống hòa lẫn nhau trên những con Giồng. Cho nên nơi đây ngoài các chùa chiền của người Khơme còn có những miếu thờ Ông Tam của người Tàu (Thờ Quan Công, Quan Bình, Châu Xương) các nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, Thánh Thất Cao Đài, Hòa Hảo, Đình, Chùa của người Việt.
Ba sắc dân sống trộn lẫn qua nhiều đời làm nên một nền văn minh miền đất giồng rất đa dạng và phong phú.  Gọi là đất giồng bởi lẽ đất ở đây hình thành bằng những bồi lấp từ các nhánh sông Tiền, sông Hậu đổ ra, gặp sóng biển đánh dội vào, làm nên những bãi bồi lớn dần và hình thành những con giồng hình cong như lưỡi sóng. Giữa những con giồng là những bãi đất màu mỡ thích hợp với canh tác lúa và các phụ sản khác.  Mỗi năm đất cứ lấn dần ra biển tạo lập thành những bãi bồi và giồng cát mới.  Có những giồng chưa nổi nhô lên mặt nước người ta gọi là những con lương. Từ các cửa sông lớn đổ ra biển, ghe chạy qua các vùng nầy không khéo bị vướng lên mấy con lương nầy thì bị mắc cạn, có khi làm cong chân vịt hoặc vỡ đáy ghe.
Quê ngoại của tôi ở Quận Cầu Ngang làng Mỹ Hòa, còn quê nội thì ở Quận Trà Cú làng Long Hiệp mà bà con địa phương gọi là Trà Sất. Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn là Sông Tiền, Sông Hậu và ăn tận ra biển. Quận Cầu Ngang gần biển, đất đai hình thành bởi những giồng cát mới, nên những giồng cát ở đây chỉ là những giồng cát ròng ít phù sa trộn lẫn. Ở đây có những động cát lớn như Đổng Cao, Ba Động, ra xa tí nữa về hướng Nam là những cồn như Cồn Ngao, Cồn Lợi, Cồn-Cù……
Một thuở bên trời mang gấm vóc
Chân lúa quê hương thấm nước nguồn
Mẹ hát ca dao miền châu thổ
Con lớn ngọt bùi nước phù sa
Đồng ruộng phăng diều căng cánh gió
Gốc cỏ nối liền cuối chân mây
Đường dây tuôn chỉ cao vời vợi
Nghĩa nước tình sông cũng sum vầy
Nước mặn đồng chua miền lưu xứ
Mảnh đất cheo leo giữa nước trời
Hồn nở năm vành sao muối trắng
Gió ướp thịt da đã mặn mòi
Cây đước, cây bần chân giữ đất
Kinh một, kinh hai rẽ mấy dòng
Cha đi ghe mướn qua thành phố
Chở muối đồng quê đổi lấy tiền
Con học nhấp nhem vần quốc ngữ
Mẹ vẽ I, T trên lá xanh
Lá chuối sắp trên vùng cát mịn
Lằn chữ in sâu tiếng vỡ lòng
Phênh sóng lá khô đan làm vạt
Chiếu lát mùng thô ấm giấc dài
Manh nóp đường xa cha cơ cực
Mẹ hát ngọt bùi con ngủ say
Sương khuya giọt vắn giọt dài
Đất cồn sóng vỗ đêm ngày thở than
Trùng trùng cát đổ sương tan
Lúa mọc lan tràn cây trái xanh tươi
Cố xưa bây giờ mây gió loạn
Cây trái về đâu đất tan tành
Mái lá sườn cây buồn nghiêng ngả
Người giạt phương nào lối cỏ hoang?
Cồn Cù ơi! xa rồi năm tháng
Giặc nước-tình sông đã nghẹn ngào
Sóng bổ Cồn xưa còn vọng mãi
Có tiếng quê hương tuổi ấu thời
Ta đứng bên trời nghe xa xót
Một thuở phù sa đẹp dấu người
Trên đất khai sinh hồn phấn đấu
Giờ đứng nơi nầy thương nhớ mong
(Đất Cồn)
Những láng như Láng Thé, Láng Sắc, Láng Chim, Láng cò… Ăn liền qua Trà Cú là Láng Đôn Xuân. Trong bài hát “Trà Cú Trong Tình Thương Mật Ngọt” viết trong thời gian Nhạc Sĩ Trúc Phương sống tại Ngã Ba, Quận Trà Cú, có đoạn:
Anh lại theo em dzìa Láng Đôn Xuân
Hai mùa ngọt mặn ,
Rửa chân sông cạn ,
Rồi ngơ ngẩn tím bông bần”.
Mùa chướng trơ, đồng khô nắng cháy
Gánh lưng lưng gàu nước chia hai
Bưng ly dừa mát dạ những ai
Thương em quá buổi đường dài’
Nhớ thuở thương nhau
Trà Cú yêu ơi! Trong tình mật ngọt
Mà chân dời rồi
Làm sao quên đất quên người
…………………………..
Những cây mọc ven biền có những rễ mọc từ thân bắt xuống đất...tôi ví như chân giữ cho đất phù sa lắng lại và từ đó bãi bồi thêm lên...
Lúc còn nhỏ được má đưa về thăm quê ngoại vào những dịp Tết hoặc hè, tôi thích chạy trên những bãi cát với mấy người anh em cô cậu tìm moi những củ khoai còn sót lại qua mùa vụ, ăn nong nóng giòn giòn và ngọt lịm.  Có khi đi đào hang bắt dế đá, hoặc dế cơm. Những buổi chiều ông ngoại un khói bằng phân cứt trâu phơi khô, bọ rầy bay tứ tung.  Bọn tôi thường tìm bắt bọ rầy trên những nhánh sầu đâu hoặc trên những cây đào lộn hột.  Ấu trùng của bọ rầy là đuông đất.  Mỗi khi ông ngoại cuốc đất làm rẫy, chúng tôi tha hồ bắt đuông và dế.  Loại đuông đất và dế cơm đem rang muối, ăn cơm chan với nước canh rau thì cũng rất bắt miệng.  Dế thì chỉ lặt đầu, bẻ càng, còn đuông thì phải ngâm vào nước muối cho đuông nhả đất, sau đó bỏ cái bọng cứt của đuông.  Dế và đuông đem rang trong cái chảo với muối.  Sau nầy dì Tám của tôi mua thêm đậu phọng nhét vào đít con đuông, con dế đem chiên giòn ăn rất đã miệng.  Nói đến đuông phải nhớ đến đuông chà là.  Hồi nhỏ tôi không thích loại nầy vì trông nó to gần bằng ngón chân cái lại ngo ngoe thấy gơm gớm.  Nhưng sau nầy khi lớn lên, biết nhậu lai rai rượu đế Xuân Thạnh, thì cái món nầy xem ra độc nhất vô nhị.  Loại đuông nầy là những ấu trùng của con kiến dương.  Mỗi đọt chà là thường thấy một con.  Cây chà là mọc bạt ngàn ở Bến Giá, Long Toàn.  Người ta nhìn thấy cây nào mà đọt bị quặt gãy thì chắc ngay là có con đuông ở trong.  Cây chà là được chặt ngã và lấy dao đẵn khúc gần ngọn, cột bó lại.  Cứ 10 ngọn thành một bó, đem ra chợ bán.  Mấy anh chị, bà cô cậu của tôi còn làm thêm cái món khô cá khoai trộn giấm với lá sầu đâu sắc nhỏ, nhậu cũng thấy tới lắm…..
Hồi đó, bữa cơm trưa thường khi tôi ngồi ăn với ông ngoại ở cái chòi nhỏ ngoài rẫy được cất gần bụi tre gai.  Ông ngoại ít nói, lại điếc tai nên tôi ít khi nói chuyện với ông trong mỗi lần được gặp ông.  Mỗi lần má dẩn về nhà ngoại, khi vừa xuống xe đò vào nhà trong cởi áo ra, là chạy liền ra ngoài rẫy.  Ông ngoại đang cuốc đất nhìn thấy tôi, ông ngừng tay và nói: “Cháu mới qua hử…..”.  Rồi lại tiếp tục công việc. Suốt thời thơ ấu, hình như tôi không có chuyện trò gì nhiều với ông, có lẽ vì ông khó nghe mà tôi thì nói quá nhỏ.  Lúc đó tôi khoảng mười tuổi……Duy chỉ có một lần ông bị bịnh, má đỡ ông lên và mớm cháo cho ông. Tôi đứng gần trước mặt ngoại.  Ông ngoại nhìn tôi và bảo: “cháu đấm lưng cho ông, ông mỏi quá.” Tôi hỏi đấm chỗ nào - ông chỉ cho tôi. Tôi đấm hai bên vai ông ngoại.  Ông ngoại xoa đầu tôi và nói ông thấy khỏe quá…Sau đó tôi đi ngủ và hứa sẽ làm tiếp khi thức dậy…Nhưng tôi không có dịp nữa, khi chợt tỉnh giấc vì tiếng khóc thút thít của má. “Cậu ơi, cậu bỏ con đi rồi…" .Theo lời má kể lại: Trước khi chết ông ngoại có trối trăn là nên lập mộ bia ông ngoại với họ Trịnh. Tôi nghĩ chắc tổ tiên ông bà bên ông ngoại là họ Trịnh. Nhưng trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Chúa Trịnh hùng cứ ở phương Bắc. Chúa Nguyễn bôn chạy và hùng cứ ở phương Nam. Chắc vì sợ chúa Nguyễn trả thù, nên ông bà đời trước đã đổi lại họ Trần. Chắc chắn là các đời trước bên ngoại từ phương Bắc di dân và lập nghiệp ở đây.  Má gọi ông ngoại bằng “Cậu”, nếu đúng là người sống kỳ cựu trong nầy thì gọi là “Ba” hay “Tía.” Cách gọi nầy hơi giống người Tiều Châu di dân sống hòa lẫn với người Việt ở miền đất mới nầy: A Pa (Ba) A Tia (Tía)-A Ma (Má)…?
Tất cả họ hàng bên ông bà ngoại đều ở rải rác trong Quận Cầu Ngang và Long Toàn.  Lúc còn nhỏ tôi chỉ biết các cậu mợ, cô, dì quanh quẩn gần nhà ông ngoại thuộc ấp Nô Công, thuộc xã Mỹ Hòa, còn một số bà con ở xa, tôi chỉ nghe má nhắc tới nhưng chưa bao giờ gặp mặt.  Duy chỉ có người cậu thứ ba, anh ruột của má đi theo kháng chiến đâu khoảng 1945 thì tôi còn nhớ trong mường tượng vì lúc gặp cậu khi tôi còn rất nhỏ.  Câu Ba bị bệnh sốt rét nặng, má có dẫn tôi đến một nơi rất xa tận vùng Cồn Ngao để thăm. Tôi nhớ mang máng gương mặt cậu xương xương như ông ngoại.  Một người gầy ốm, có đôi mắt hơi mệt mỏi vì bệnh nhưng có nhiều ánh lực rất mạnh khi cậu Ba kêu tôi và người anh thứ ba, con ruột của cậu đến bên giường bệnh căn dặn.  Cậu vuốt đầu anh và tôi.  Câu nói như lời trăn trối: “Hai con nhớ ráng học hành đàng hoàn để trở thành người hữu dụng cho đất nước, cậu chắc không sống được lâu vì cậu biết được sức mình…”.Sau đó cậu ngã lưng nằm trên bộ vạt sóng lá. Tôi và anh ba chạy ra ngoài đùa giỡn …Ngày hôm sau tôi và má về lại Cồn Cù. Từ đó không ai nhắc đến cậu ba nữa. Sau nầy má nói là cậu chết và chôn cất ở đó.  Cậu có làm một bài thơ dài hai trang giấy học trò. Ý Hai cất duới tấm trải bàn thờ cậu. Sau nầy ý sợ bị liên lụy, nên đem đốt. Thời gian nầy ý, dượng Hai sống trong nhà của ông bà ngoại. Hồi trước năm 1945 dượng hai ở Long Hiệp làm Lục Bộ trong làng, nên người ta thường gọi là ông Bộ Cẩn. Vì có tham gia kháng chiến, ý dượng sợ bị lộ, nhất là nạn Cáp Duồn đang sôi sục tại đây, nên ý dượng về nhà ông bà ngoại ở. Trong căn buồn của ý dượng có một cái hầm chìm dưới chiếc giường ngủ, mà sau nầy tôi mới được má cho biết.  Nơi đó làm hầm chứa các cán bộ hoạt động cho bên ngoài về hội hợp.  Lúc còn nhỏ khi có dịp về bên nhà ngoại, tôi ngủ trên chiếc giường tre bên ngoài.  Nửa đêm chợt thức giấc, tôi nghe nhiều tiếng thì thầm bên trong, nhưng vì còn quá nhỏ, tôi không để ý và hỏi han gì về việc nầy.  Sau 1975 má nói cho tôi rõ hơn là căn hầm nầy là nơi hội hợp của các cậu, dì và các cán bộ hoạt động cho bên ngoài...Sau năm 1975 tôi mới biết các cậu, dì, anh em bên họ ngoại hoạt động cho bên ngoài rất nhiều, người còn người mất, số còn sống dĩ nhiên có chức, có vị trong chánh quyền. Ý dượng hai vẫn sống trong cơ nghèo với mảnh ruộng, vuông rẫy, vẫn ngày ngày gánh nước tưới những liếp tần ô, liếp cải, giàn bầu.  Những con người chân phèn, chân dép, sống nhờ đùm bộc của những người như ý dượng hai khi có chức, có quyền, ở nhà cao cửa rộng, có mấy người quay về chốn xưa để nhìn lại những ân nhân của mình, cả đến những người trong họ hàng ruột thịt…! Gia đình ý dượng có được cấp mảnh giấy “Gia đình có công với cách mạng.”  Thật sự ý dượng đâu cần cái mảnh giấy nầy. Trong cuộc cải cách ruộng đất, chánh quyền đưa cán bộ tới thuyết phục ý dượng chấp hành vô hợp tác xã.  Dượng hai cầm mảnh giấy đó và cây dao phai nói: “Thằng nào đụng vô miếng đất của ông bà tao để lại, tao chém không chừa một thằng…” Nhưng rồi mọi việc cũng trôi qua yên ổn khi chánh quyền phải buông tay, đi vào thời kỳ mở cửa.
Má còn nói có người em chú bác ruột tên Trần Th. T. Bí Thư tỉnh Ủy Tỉnh Trà Vinh.  Cậu T chết vào khoảng 1968 ở chiến khu vì máy bay B-52 trải thảm đạn bom?  Má nói thêm nếu cậu T. chưa chết thì chắc cậu Bảy, em ruột của má chưa chết…?  Lúc cậu T. đi họp ngoài Bắc, cậu có chỉ thị cho thuộc cấp hoãn thi hành “Bản án tử hình” chờ cậu về.  Lúc ấy cậu Bảy làm Chức Cai Tổng tại quận Trà Cú. Ý Hai từ Cầu Ngang qua Trà Cú để thuyết phục cậu hoạt động cho bên ngoài nhiều lần, nhưng cậu không chịu. Khi còn làm chức Cai Tổng cậu Bảy có nhiều thành tích tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt Cộng trong địa bàn hoạt động của Cậu.  Chắc vì lẽ đó mà họ ra “Bản án tử hình” với cậu.  Cậu Bảy bị Việt Cộng ám sát trong một buổi cơm chiều nơi căn nhà trọ ở quận Cầu Kè, do một người đàn bà làm địch vận.  Lúc nầy cậu bị đẩy ra khỏi chức Cai Tổng về làm cảnh sát ở đó.  Không biết có phải cậu bị mật thám trong chánh quyền biết cậu có bà con bên ngoài hay không hay vì bị tranh quyền lực mà cậu bị đình chức Cai Tổng và chuyển sang ngành Cảnh Sát? Trước ngày cậu chết vài tháng là sự ra đi của bà ngoại vì cơn bệnh nặng.  Hôm chôn bà ngoại, mọi người trong gia đình không cho cậu Bảy đến gần và nhìn vào huyệt mộ…Nhưng vì quá thương xót, cậu không ngăn được xúc động nên nhoài người đến nhìn quan tài đang khi hạ xuống.  Má nói vì khắc tuổi nên khiến cậu phải chết sau đó.  Cậu là người con trai còn lại của của ông bà ngoại sau cái chết của cậu Ba hồi năm 45. Với cái chết của bà ngoại mà má cứ ân hận, đau khổ vì cứ cho là mình cho bà uống thuốc quá liều…rồi đến cái chết của người em trai mà má thương yêu nhất.  Qua hai biến cố đau thương nầy, má phát nguyện trường chay cho đến cuối đời...!
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 bên Nội, bên ngoại có người đã chết, có người còn sống.  Người chết thì đã yên mồ.  Người còn sống thì có dịp đoàn tụ.  Cho dù bên thắng bên bại…họ hàng vẫn tìm đến nhau trong tình yêu mật thiết, không có động lực chánh trị nào đẩy xa được tình quyến thuộc.  Cái tệ hại của sự phân chia hai phía Quốc Gia-Cộng Sản, đã gây nên cuộc chiến hơn 30 năm.  Hai thế lực chánh trị: Một bên theo chủ nghĩa Cộng Sản do Liên Sô, Trung Cộng cầm đầu, một bên theo chủ nghĩa Quốc Gia do Mỹ và các nước đồng minh do Mỹ lảnh đạo.  Chiêu bài giải phóng dân tộc. Chiêu bàì bảo vệ Tự Do chỉ là cái cớ để các thế lực bên ngoài chia ảnh hưởng và quyền lợi, chỉ tội cho những Việt làm con chốt bắn giết lẫn nhau…! Biết bao nhiêu gia đình ly tán, biết bao nhiêu người chết, biết bao nhiêu người bị thương tật.  Cái hậu quả đau đớn nhất là lòng thù hận còn ầm ỉ trong trí não của mỗi con người khó tẩy rửa một sớm một chiều…!
Cũng ở thế đất bồi, quê nội ở Trà Cú cũng có những giồng đất, nhưng vì nằm hơi sâu vào bên trong do đất bồi lâu năm, lại sát bên Sông Hậu, cho nên đất đai ở đây màu mỡ hơn.  Phù sa Sông Hậu vươn nhiều nhánh vào đồng ruộng với phù sa đục ngầu. Những giồng đất hình cong lưỡi sóng định hình lâu năm, chạy dài như bất tận.  Giữa những giồng đất là những cánh đồng bao la màu mỡ. Trà Cú có hai mùa nước: mùa nước lợ vào mùa chướng, khi gió đưa nước biển theo triều dâng tràn vào đồng.  Mùa nước ngọt là vào mùa mưa. Trên những giồng đất cư dân sống quần tụ đông đảo.  Người Khơme lập nên những Sóc, như Sóc Xoài Xiêm, Xoài Thum, Sóc Ruộng, Sóc Vàm Buông….Có những giồng được đặt tên như Giồng Lức, Giồng Trôm. “Xi bai Giồng Lức, phoóc tức Giồng Trôm”. Người Việt và Tàu một ít sống lẫn lộn với người Khơme, còn lại đa số sống dọc theo các bờ sông như Ngã Ba, Cầu Hanh, Ba Tục, Bến Dừa, Bến Thế, Bắc Trang…, hoặc ở giữa đồng lập thành những xóm như Xóm Chòi, Xóm Chùa…Ba sắc dân sống rất hòa đồng, họ chia sẻ với nhau trong những lễ tục địa phương. Và hôn nhân đã kết với nhau từ lâu đời.  Những thế hệ “đầu gà đít vịt, Việt lai Miên, Miên lai Việt” tuần tự ra đời là mối dây ràng buộc thương yêu giữa ba nhóm dân.
Ruộng đồng Trà Cú được phân chia sở hữu bằng những bờ đất.  Dọc theo các bờ đất các loại cây như điên điển, mò om, rau đắng mọc dầy….Về phía những vùng đất trũng thì có hoa súng, hoa sen, điên điển .
Mấp mé bờ đê hàng điên điển
Hoa nở vàng theo dọc lối về
Hoa dưa mẹ ủ chua chua ngót
Chấm tộ mấm kho khăm khẳm mùi
Bờ sông bìm bịp kêu nước lớn
Mẹ vẫn một đời sống chắt chiu
Nuôi con khôn lớn thêm từng đứa
Hoa điển phận người chịu hẩm hiu
Đất quê có đứa thành danh phận
Có đứa bọt bèo sống nổi trôi
Hương cũ một thời sao quên được
Giữ chặt hồn quê chẳng đổi dời

Trà Cú có nhiều sông ngòi. Dọc theo các bờ sông là những cây bần, cây dừa nước cành lá là đà trên mặt nước. Có những bãi đất ven từ sông chạy sâu vào bên trong, đó là những bãi bồi bởi phù sa chưa canh tác được, làm nên những trũng sâu, gọi là Đầm, hoặc Bàu.  Nơi đây cây sen mọc đầy với mùa hoa thơm ngát.  Có nơi các loại cây như cây ráng, cóc kèn, cây bần, cây lát … mọc dầy đặc. Với những vùng nông hơn, nước ứ động và chưa rỏ phèn chỉ toàn là cây năng, cây ráng. Hồi nhỏ bọn trẻ chúng tôi thường hay đến những nơi nầy để bắt cá lia thia ở những bọng cây bần hoặc bụi ráng.  Đôi khi rủ nhau đi hái bần chua ăn với mắm sống. Con mắm được xé ra. Cắn miếng bần chua, đưa vào miệng miếng mắm, cắn thêm một miếng ớt hiểm. Vị, chua, cay nhai trộn lẫn.  Muốn ăn hoài luôn miệng….. Có lần vì chậm chạp tôi bị ong bần đốt mặt sưng vù, về nhà còn bị ba, má rầy cho một trận tơi bời.
Đời sống nhà quê thường có những buổi cơm đạm bạc, cá kho, canh rau là thường nhất.  Má kho cá thường kho bằng ơ đất, cá được kho khi nước còn sền sệt, rắc thêm một ít tiêu, luộc vài bó rau muống đồng hoặc đọt lan, đọt bí.  Gắp một đũa rau chấm vào nước cá kho, lùa một ngụm cơm trắng, ăn hết chén nầy sang chén khác.  Ực thêm một chén nước cơm chắc nóng hổi.  Mồ hôi ra dầm dề--ngon ơi là ngon!  Nhiều lúc bận việc làm ăn, má làm một mẻ nước mắm kho quẹt với tóp mỡ.  Dùng đũa quẹt một cái.-đưa vào miệng-và thêm miếng cơm.  Nhai từ từ thấy cũng đã…
Một thời muối quẹt, mắm kho
Lửa rơm hơ tiếng ầu ơ dí dầu
Một thời xa mút cần câu
Quẩy đuôi cá lội biết đâu mà dò
Một thời bên mẹ tròn vo
Vòng tay, hương tóc mùi tro phả hồn
Vuột đi…Một cõi thăng trầm
Xa lơ xa lắc vói tầm mẹ mong
Bây giờ ngồi gậm mông lung
Muối tiêu rắc rát trên lưng vở đời
Đôi khi kêu tiếng Mẹ Ơi!
Khỏ đôi đũa dội những lời ca dao
Đói lòng tay quẹt, mắt lau
Mẹ ơi! Con sắp qua cầu tử sinh
Vẫn còn nhớ mẹ như in
Mắm kho, muối quẹt mà tình…Mẹ Ơi!
Khác với Cầu Ngang, Trà Cú có nhiều đồng ruộng và sông nên cá đồng rất nhiều như cá lóc, cá rô, cá trê, cá bóng dừa, bóng cát, tôm càng, tôm bò, tôm thẻ …Vì có ba sắc dân cho nên thức ăn cũng được trộn lẫn.  Bún nước lèo thịt heo quay không bao giờ thiếu trong các đám tiệc của những gia đình Việt, Tàu, xì dầu, cải xái pấu không bao giờ thiếu trong những gia đình người Khơ Me “Phoọng tẹ chiên với cải xái pấu”**có nghĩa là hột vịt chiên với cũ cải muối.
Châu thổ xa rồi châu thổ ơi
Phù sa lớp lớp đất bãi bồi
Cây bần, cây đước chân giữ đất
Châu thổ chia nguồn châu thổ ngơi
Đất hứa từng đàn chim qui họp
Bên mặn bên bồi, bên ngọt sâu
Trái giạt sinh sôi ngày châu thổ
Người đứng bên trời người gió khơi
Vùng đất chim kêu cùng vượn hú
Bây giờ hương ngát tiếng à ơi
Kẽo kẹt sớm trưa gà gáy Ngọ
Bâng khuâng cô gái đứng dưới dừa
Đồng sâu con chó cong đuôi chạy
Mỏi cánh cò bay trắng góc trời
Khói ám trên đồng thơm rạ mới
Từng đàn chuột chạy trẻ rong vui
Châu thổ mênh mông người chân chất
Dẫu nát tim bầm cũng sắt son
Giữ lòng yêu nước nên giữ đất
Khó ai mua chuộc được tấc lòng
Ai đó phụ tình lòng châu thổ
Châu thổ miệt mài lấp biển khơi
Bồi lấn thêm ra thềm tổ quốc
Châu thổ xa rồi châu thổ ơi!
Hận nước người đi xa Tổ quốc
Chí cả ai còn giữ đó không?
Con quốc sầu ai con quốc gọi
Người ơi! Người còn dạ sắt son?
(Bài ca Châu thổ)
Sóc là một nơi quần cư của người Khơme, có lũy tre bao bọc viền quanh Sóc, đôi khi có những hàng cây sao, cây dầu cao ngất.  Người ta tìm thấy có những cây trên trăm năm tuổi dọc theo các con đường cái, người Khơme gọi là đường ngoài.  Dọc theo các con đường nầy thỉnh thoảng có những nhà nghỉ chân hoặc các miếu thờ những cục đá ông to gọi là miểu (Miểu ông Tà.)  Nhà cửa trong Sóc phân chia với nhau bằng những vuông.  Mỗi vuông đất có lũy tre bao bọc, có sân phơi lúa, có ụ rơm và có những con đường nối các vuông lại với nhau gọi là đường trong.
Ở quận Trà Cú có nhiều con Sóc như: Sóc Chùa, Sóc Chà, Sóc Xoài Xiêm, Sóc Vàm Buông… Thường mỗi Sóc có một ngôi chùa để thờ cúng Phật và cũng là nơi sinh hoạt của bản dân, làm lễ cúng tế trong các dịp Tết: (Chrônaam) Lễ Ăn Ót (sau mùa lúa, thường vào giữa tháng 10). Ngoài ra họ còn ngày lể Duun Tà vào tháng Tám, giống như lễ Vu Lan của người Việt và Thanksgiving của phương Tây. Chùa cũng là nơi các thanh niên trước khi vào đời đến đây để học đạo.  Người dân Khơme làm việc cật lực, tiêu xài trong gia đình rất chừng mực nhưng cúng chùa thì nhiều.  Họ cúng tiền,vàng bạc hoặc các thứ cần thiết cho các sư sãi trong chùa…
Theo quan niệm của người Khơme trước khi vào đời mọi người thanh niên phải học đạo trước.  Nghi lễ thường diễn ra tại nhà có người xin tu học.  Một đoàn Lục tới nhà tụng kinh và làm lễ cạo đầu, khoác áo tu và sau đó vào chùa ở luôn để tu học, người nầy gọi là Lục. Trong chùa người cao nhất gọi là Lục Cả.  Lục Cả được người dân trong Sóc tôn sùng và tuân hành theo mọi lời dạy bảo của vị nầy.  Sau thời gian học đạo 2 năm nếu người nào đó muốn ở lại tu luôn thì cũng được.  Nếu ai muốn ra đời thường thì cứ về đời sống dân dã.  Các chàng trai sau khi ở chùa về đời thường gọi là Lục Sấc.  Các Lục sấc ra thường được các cô gái dòm ngó và kính nể.  Gia đình có con gái ai cũng muốn gã cho các Lục vừa sấc.  Dĩ nhiên nếu gia đình Lục sấc đi hỏi cưới con gái nhà ai đó thì họ sẵn sàng gã ngay vì họ xem các chàng trai nầy đã được học đạo, sẽ là người chồng tốt cho con gái họ. Tục cưới gã cũng khác với người mình.  Dân Khơme còn theo chế độ mẫu hệ.  Mọi lễ vật, tiền tài nhà trai đem sang nhà gái.  Khi làm đám cưới nhà trai kéo hết qua nhà gái dự đám.  Đám cưới có khi kéo dài đến hai ba ngày.  Họ mổ trâu bò, làm thịt heo gà cùng ăn nhậu với tiếng nhạc ngũ âm rộn rã. Trai gái ăn mặc quần áo nhiều màu sắc.  Các cô gái vận những chiếc váy gọi là xà rông trông rất đẹp mắt.
Mỗi ngôi chùa có một vị Lục chủ quản gọi là Lục Cả.  Chùa có nhiều vị Lục tu luôn và ở lại trong chùa.  Lục Cả là một vị cao tăng tu hành lâu năm được ban sắc từ cấp cao trong hệ thống giáo hội Phật giáo của người Khơme.  Mọi người tôn kính vị Lục Cả không riêng vì ở trong Sóc mà còn lan rộng ra ngoài. Vị Lục Cả nói gì thì mọi người đều nghe theo. Trong các lễ hội người dân mang các thức ăn hoặc mua các vật liệu cần thiết khác đem vào chùa để nấu nướng.  Món Bún Mắm Bò Hóc không bao giờ thiếu trong các lễ hội hoặc đình đám, cưới hỏi…
Các thế hệ con lai Việt–Khơme, Hoa-Khơme ra đời, nối tiếp và sống rất chan hòa tình nghĩa với nhau.  Người Khơme lai Tàu người ta thường gọi là: Đầu gà đít vịt…Con gái Khơme lai Tàu rất đẹp.  Nước da của các cô mởn trắng màu bánh ích.  Cách xưng hô cũng hòa lẫn,..Người Việt thì gọi nhau bằng anh, em, cô, bác …lai Tàu thì gọi là Hia, Chế, Cũ Kiễm (Cách gọi theo người Tiều Châu).  Người Khơme có chồng Tàu thì gọi lẫn lộn có khi hia, chế…có khi bòn, uôn(Anh,em)…Văn hóa ẩm thực cũng được trộn hòa: Thịt kho, dưa giá, cải Xái Pấu chiên với trứng vịt, bún nước lèo ăn với thịt heo quay…Rau cải luộc chấm với xì dầu hoặc mắm bò hóc (Loại mắm làm bằng cá cơm)….
Về xuất xứ di dân của ông nội, tôi chỉ là nghe những người lớn kể lại không biết có chính xác được bao nhiêu?  Khi lớn lên có một chút hiểu biết thì ông đã qua đời lâu rồi.  Chỉ biết ông nội gốc người Tiều Châu rời khỏi quê hương vì những năm đói rét tràn lan tại Hoa Lục, tìm về đất Trà Vinh và sinh sống tại làng Long Hiệp, Quận Trà Cú cho đến mãn đời tại đây.  Khi còn ở bên Tàu ông nội có một đời vợ. Có lẽ ông nội có liên lạc với bà nội bên Tàu, cho nên khi bà nội sau sinh chú Năm thì bà có sang Việt Nam thăm ông nội và có ý xin chú Năm đem về Tàu để nuôi.  Bà nội sau không bằng lòng.  Bà nội trước sau đó về lại Trung Quốc.  Sau khi ông nội mất, biến loạn chiến tranh năm 45 xảy ra.  Làng xóm tản cư tứ tán có lẽ vì đó mà cho mãi tới sau nầy khi chúng tôi lớn lên và cho tới ngày nay thì mất tin luôn.
Trong gia đình chúng tôi cách gọi người trên, kẻ dưới theo tập tục người Tiều Châu Việt Nam âm hóa.  Anh thì gọi bằng hia, chị thì gọi bằng chế, chị dâu gọi là Số còn anh rể thì gọi là A nứng, cách gọi nầy theo nghĩa Việt không được thanh, cho nên ít ai gọi trừ gọi ở trong nhà hoặc gia đình còn ông bà chánh gốc Tàu. Thường khi người ta gọi bằng hia luôn.  Cậu thì gọi bằng Củ, mợ thì gọi là kiểm…..Ba tôi gọi ông nội bằng Chệt, nhưng gọi bà nội là má.  Chúng tôi gọi nhau bằng hia chế, nhưng gọi ba má là ba má…cho đến các đời sau cách gọi lại bị hụt dần vì hôn phối Tàu Việt đề huề.  Bây giờ các đời sau nữa dường như bị Việt hóa cho phù hợp với cách sống đời thường. Có nhiều gia đình còn giữ cách gọi như một điều bắt buộc để giữ gìn nòi giống.  Hồi ông nội tôi còn sống thì mọi người ra ngoài có nói tiếng gì cũng được, nhưng về nhà phải nói tiếng Tàu. Từ ngày ông mất đi, qui luật nầy xem ra mất từ từ.  Ông nội tôi mất lúc tôi mới biết đi chập chững cho nên tôi chưa nói được nhiều tiếng Tàu, có lẽ chỉ bập bẹ vài tiếng gì đó.
Riêng tôi thì khi lớn lên học chữ Việt, học Lịch Sử Việt, có gần hết một nửa đời sống với đất quê Việt. Tôi thấm nhuần văn hóa Việt. Từng ngọn rau cọng cỏ, từng lạch nước con sông. Từng bờ mương, bờ dậu. Từng giọng ru con à ơi, nhịp võng đu đưa. Từng tiếng hát, tiếng hò, nhất là bài ca vọng cổ đã lẫn vào hồn tôi, bật lên trong lời nói, biểu lộ ra trong tình cảm của tôi như da với thịt không thể tách rời được. Tôi là người Việt. Tôi yêu nước Việt mặc dù trong máu tôi có trộn lẫn huyết thống người Tàu.
Ông bà nội của tôi sống với nhau có được sáu người con: ba trai, ba gái. Tôi có hai bà cô lớn.  Ba tôi đứng hàng thứ ba, con trai lớn nhất của ông bà nội, kế đến là hai chú, sau cùng là cô 7. út.  Vì là người con lớn nên ông nội dạy cho ba buôn bán và biết cách đánh bàn toán Tàu từ lúc còn nhỏ.  Sau khi gã hai cô đi rồi ông nội lo kiếm vợ cho ba.  Khi ba cưới má về thì ông giao luôn cho ba má tôi quản lý cửa tiệm.  Một cửa tiệm chạp phô nhỏ ở trong Sóc Bến Chùa thuộc làng Long Hiệp.
Chỗ ông nội tôi ở gần bến nước.  Dòng sông Hậu chẻ nhánh từ Vàm Bắc Trang chảy qua Bến Dừa vào Ngã Ba nơi bản doanh của quận Trà Cú, con sông chạy vào tận cùng và chia nhánh nhỏ nơi Ba Tục. Theo người hiểu biết, Ba Tục là phát âm từ bây tức. Bây là ba, Tức là nước theo âm ngữ của tiếng Khơme có nghĩa là ba dòng nước.  Nơi đây có một dòng nhỏ chảy về Long Hiệp và dừng lại ở một nơi cách xã Long Hiệp hơn 500mét. Thường điểm cuối của dòng sông là nơi xuồng ghe tấp lại nên gọi là Bến. Vì Bến sông nằm trong Sóc và có ngôi chùa nên người dân gọi là Sóc Bến Chùa.  Sau nầy khi tìm hiểu, tôi biết thêm con sông rẽ về đây lại chia làm 2 nhánh nữa, cho nên có cái tên là Bến Trên và Bến Dưới.  Sau nầy vì đường bộ khá thông nên con sông nhỏ nầy ít xử dụng nên gần như cạn kiệt.
Ba đi học ở trường làng được đôi ba năm biết viết và biết tính toán cộng trừ, nhân, chia.  Ở nhà ông nội thì dạy ba đánh bàn tán Tàu và thường giao sổ sách cho ba tập tành lo buôn bán.  Ở tuổi mười mấy thì ba không đi học nữa mà ở nhà lo việc buôn bán luôn.  Ông Nội nói: “Phi thương bất phú”.  Không có cái gì mau làm giàu bằng buôn bán.  Khoảng ngoài 20 ông nội lo cưới vợ cho ba. Ba cưới má từ năm đó và xuyên suốt cùng má sống bằng nghề buôn bán cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975.  Cơ nghiệp tạo dựng bao nhiêu mồ hôi nước mắt phút chốc tiêu tan…
Hồi đó, từ Ngã Ba muốn đi về Long Hiệp người ta ít khi đi bằng đường nước mà cứ lội tắt qua đồng.  Cánh đồng lúa trải rộng từ tả ngạn sông Ngã Ba rẽ qua con rạch nhỏ chèo về Long Hiệp.  Do nhu cầu sinh hoạt chưa sung túc lắm, chỉ loe hoe vài cái chòi nhỏ sơ sài được dựng lên để canh lúa hoặc nuôi vịt.  Dần dà người dân qui tựu nhiều và trở thành xóm. Xóm Chòi chắc có tên từ dạo đó.  Khi còn bé tôi cùng mấy đứa bạn nhỏ thường đi hái bần trên cánh đồng gần Xóm Chòi, nơi vùng còn trũng lầy chưa canh tác được, cây Bần, Ô Rô, Ráng, Lác mọc rậm rạp.  Chúng tôi thường gói theo cơm nguội, vài con mắm sặc ốp chuối quấn chặt lại bằng giây chuối, cột ngang lưng quần lội đồng đến nơi có nhiều cây bần.  Những trái bần chín mềm, ruột chua giòn. Tách trái bần chua ra làm hai.  Cắn một miếng bần. Vuốt một miếng mắm cá sặc bỏ vào miệng.  Cắn thêm miếng ớt hiểm. Miệng nhai trộn đều. Vị chua chua chát chát của bần. Vị mằn mặn của mắm cá. Vị cay xé của ớt. Tất cả trộn hòa một cảm giác thật ngon miệng. Tiếc là hồi nhỏ chưa biết uống rượu.  Chứ cái món nầy mà vừa nhai nuốt xong …nhấm một hớp rượu đế thì còn gì khoái hơn.  Sau nầy khi lớn lên lúc thời còn học Trung Học ở Trà Vinh, bọn học trò chúng tôi có lần lội ra xóm Cây Bần Xà gần Vàm Trà Vinh.  Cũng với gói hành trang giống thời tuổi thơ, nhưng có hơi khác hồi nhỏ một chút là chúng tôi mang theo rượu đế Xuân Thạnh.  Một buổi đi chơi thật là vui với những miếng bần chua chua, nhai trộn với miếng mắm sặc rằn xé, cộng thêm miếng ớt hiểm cay nồng.  Rượu đế rót ra cái chun nhỏ chuyền tay nhau hớp…khà khà đã ơi…là đã…!
Lúc tôi sắp lên 3 tuổi thì ông nội chết vì vết cạo gió trầy cái mụt ruồi to sau lưng làm mương mủ độc. Ông nội qua đời ít lâu thì giặc giã nổi lên khắp xóm làng.  Đêm đêm nghe tiếng mõ cùm cum, tiếng chân người thình thịch, tiếng chó sủa từ xóm nầy qua xóm kia.  Người ta đồn Việt Minh về rất đông đi hoài không ngớt.  Bọn lính Mã Tà rút vào đồn không dám ra ngoài khi trời sắp chạng vạng tối. Người ta còn đồn về chuyện con ma vú dài thường xuất hiện ở cây Da.  Ma rút ruột người xuất hiện đêm đêm khắp nơi.  Nó rút ruột khi ai gặp nó.  Mọi người trong xóm Bến Chùa ai nấy đều lo sợ. Trời tối không ai dám ra ngoài, cửa nẻo gài song thật chặt. Nhà nào cũng treo nhánh xương rồng có quét vôi để ếm trừ ma quỉ.  Con nít đeo tỏi để trừ bệnh dịch tả và quỉ ám.  Sau nầy khi lớn lên tôi được biết đó là kế của Việt Minh.  Người không đông chỉ độ ba bốn người chia nhau đi lòng vòng.  Người đi đầu nầy, kẻ đi đầu kia gỏ mõ cùm cum. Thế là khắp xóm đều nghe tiếng chó sủa. Vì sợ ma quỉ nên nhà ai cũng đóng cửa im ỉm đâu ai dám mò ra ngoài để xem.  Mặt trận thường tụ hợp ở những nơi hơi hoang vắng, hoặc dưới tàn cây da to cao, tàn che khuất bóng.  Người ta sợ quỉ ma nên tối đến không ai dám đi ngang đó.  Lợi dụng sự vắng vẻ, các cán bộ Việt Minh thường hội họp tại đây.
Người ở trong thôn xóm ngày xưa không có nhà vệ sinh nên thường đi đồng hoặc đào các hố nhỏ đặt cái hũ sành không đáy ở một gốc vắng nào đó ở trong xóm hoặc trong các lùm cây.  Phong trào Việt Minh kết thân với phong trào cách mạng do Mao Trạch Đông ở Trung Hoa chống lại đảng của Tưởng Giới Thạch, họ rỉ tai tuyên tuyền ma rút ruột thường ăn phân người đi đồng cho nên khi đi đồng thì nên đắp cờ Trung Hoa (Cờ của chánh phủ Tưởng Giới Thạch) thì không bị ma ám hại….
Vào thời đó, đa số người Việt theo tiếng gọi của phong trào Việt Minh, vác tầm vông vạc nhọn “Nóp với giáo mang ngang vai” đi đánh Tây. Trong số người theo phong trào Việt Minh có những người làm việc trong chính quyền thời đó. Tôi có người dượng, chồng của người cô thứ ba làm việc cho chánh quyền sở tại.  Người dượng nầy đi theo phong trào Việt Minh từ lúc nào tôi không biết.  Khi lớn lên tôi chỉ thấy người cô của tôi sống một mình với ba người con. Tôi không bao giờ gặp mặt dượng và cũng không ai nói cho tôi biết vì sao ông không có mặt trong gia đình cô Ba.  Cho đến khi gần cuối năm 1953, lúc nầy gia đình tôi cũng mới hồi cư từ Cồn Cù về sống tại Ngã Ba quận Trà Cú được vài năm.  Cô Ba sống ở Ấp Xoài Xiêm.  Có một ngày cô hớt hải nói gì đó với ba tôi rồi hớt hải ra đi.  Sau nầy tôi mới biết là cô Ba đi tìm xác dượng Ba.  Người ta nói: Dượng làm công an xã Long Hiệp bị thương trong lúc thị sát một vùng ven thuộc xã Trà Kha.  Lính làng người Khơme đã nhắm bắn dượng ngã quỵ giữa đồng trong một khoảng cách khá xa.  Người lính Khơme nầy cứ nghĩ là mình bắn lầm người dân nên vô chùa xin tội với Lục Cả. Vị Lục Cả chùa Trà-Tro, cho người đi tìm được xác dượng trong đống rơm phủ kín người giữa cánh đồng.  Chắc có lẽ lúc bị thương nặng và không thể di chuyển được nên dượng cố phủ rơm lên người không để lính làng phát hiện.  Chùa xin phép chánh quyền quận đem xác về chùa làm lễ hỏa thiêu. Tro bụi được đổ chung trong một ngôi tháp trong chùa. Vì bị trộn lẫn tro cốt cho nên cô Ba không thể đem về chôn cất được.  Sau nầy người ta nói vị Lục Cả nầy có hoạt động cho phong trào Việt Minh.
Vào thời “Mùa Thu rồi…ngày hăm ba ta đi theo tiếng sơn hà nguy biến…” Có một số người Khơme đi theo phòng trào Việt Minh, có một số người Khơme bị lợi dụng theoTây.  Họ bị xúi dục đi tìm giết người Việt với những chiếc phản kéo ngay (Cáp: Chém -Duồn:Người Việt) vì đa số người Việt lúc bấy giờ vì lòng yêu nước muốn đánh đuổi ngoại xâm nên hầu hết đều tham gia phong trào Việt Minh.  Bọn người Khơme xấu nói trên cướp của giết người vô cùng dã man.  Ba và chú thứ Năm của tôi bị họ cột tay đưa ra đồng định giết, may có người báo kịp lúc, ông Củ tôi có người con thứ Ba xuất gia tu lục ở ngôi chùa người Khơme ở Ấp Bến Chùa.  Chúng tôi gọi chú là chú Ba Lục Sinh, trình thưa với vị Lục Cả. Vị Lục Cả can thiệp nên chú tôi và ba tôi được chúng tha.  Đồng thời lúc đó Việt Minh tổ chức các cuộc trả thù, bắt người Khơme xấu và bọn người theo lính Tây chặt đầu thả trôi trên sông bập bều. Một thời kỳ tang tóc, khiếp đảm bao trùm khắp thôn xóm trong làng. Trong cơn hỗn man nầy, toàn gia đình ông bà nội tôi chạy tán lạc, mạnh ai nấy cố thoát khỏi các vùng có nhiều người Khơme. Hai chú tôi định cư tại Quận Long Toàn, còn ba má tôi thì chèo chống xuống tận Cồn Cù.
Hồi nhỏ ba tôi học với một thầy giáo ở trường làng Long Hiệp, vị thầy nầy khuyên ba nên về vùng tự do ở cho an toàn hơn. Vùng tự do theo ông thầy nầy là vùng Việt Minh kiểm soát.  Quận Trà Cú nói chung và cả Quận Cầu Ngang lúc đó có nhiều người Khơme, cho nên thầy khuyên ba tôi nên đi xa hơn cho vững dạ. Thế là gia đình tôi chèo xuồng tản cư về Cồn Cù. Từ mé rạch chúng tôi lên bờ, bương rừng, đi sâu vào bên trong, nơi có nhiều cư dân đã sống quần tụ từ lâu, cất nhà ở tạm.
Cồn Cù là một vùng đất bồi ở về phía Đông Nam so với huyện Duyên Hải (Long Toàn.) Thuở đó Cồn Cù còn rất hoang sơ.  Cư dân thưa thớt, đa số dân ở đây sống bằng nghề làm muối, đất ruộng không nhiều đa số là các rừng đước, rừng chà là, rừng mắm, ô rô, cốc kèn…
Trong thời gian mới xuống đây ba má tôi chẳng biết phải làm gì để sinh sống.  Sẵn có một ít vốn liếng mang theo má mua chuối ra ngồi chợ chiên bột bán.  Ba mướn ghe chở muối từ Cồn Cù ra Long Toàn, Cầu Ngang, có khi ra tận tỉnh Trà Vinh để bán.  Chuyến về mua một số đồ tạp hóa bán lẻ tại nhà.  Chuyện đi ghe càng lúc càng khó khăn và nguy hiểm, nên chỉ đi vài chuyến thì ba ngưng.  Ba mua chuối từ các gia đình ở trong vùng về dựa bán lẻ cho các người ngồi chợ, dựa thêm chén bát và các vật dụng xài trong gia đình... Vốn là một người có máu buôn bán từ nhỏ, ba tôi xoay sở rất khéo, cho nên đời sống gia đình tạm ổn.
Thời gian hơn một năm, đời sống xứ Cồn êm ả trôi qua. Tôi có những ngày đi ra ruộng muối đem những lồng tre đan thành ngôi sao năm cánh bỏ vào ruộng. Vài tháng sau, trời nắng nước bốc hơi nước đi, ruộng muối trồi lên những vạc muối trắng lấp lánh và chiếc lồng muối đóng theo vành tre thành ngôi sao muối trắng ngần. Tôi cùng các bạn trẻ mang về treo trước mái nhà. Tôi cũng có những ngày cùng đứa em kế và các bạn nhỏ đi đắp chặn những đường nước nhỏ bắt cá.  Cá tôm ở đây đầy ắp một khoảng chận đắp ngăn.  Chúng tôi tát cạn và mang cá bắt cho vào giỏ tre mang về nhà. Thời gian nầy thiên nhiên như trộn hòa vào tôi những ngày mưa, ngày nắng của vùng đất Cồn Cù mặn mòi hơi muối, hơi bùn.
Có những đêm bộ đội Việt Minh về dựng rạp hát nhạc cải cách, kịch vui và nhảy lửa Sôn Đố Mì.  Lúc nầy ba tôi gặp lại thầy cũ trong đoàn văn công kháng chiến. Ông thầy lúc nầy ốm gầy hơn trước.  Đêm đó sau khi trình diễn xong, ba mời ông thầy về nhà.  Hai người ngồi uống trà và nói chuyện thời sự cho tới khuya. Trong cơn ngủ mơ màng tôi nghe tiếng ông nói: “Lúc nầy, sau khi Pháp thua Nhựt một thời gian, bây giờ Nhựt đầu hàng đồng minh. Bọn Pháp trở lại Đông Dương, nên tình hình sắp tới rất khó khăn…”. Ba tôi là dân buôn bán nên chỉ ừ hử cho qua chuyện…tôi thì thiếp đi lúc nào trong giấc ngủ. Khi trở giấc thì trời sáng choang, má đã ra chợ, ba mở cửa bán hàng. Tôi còn nằm nán nghe tiếng người nói cười trước nhà và tiếng sóng bổ cồn ầm ì xa xa.
Năm đó, năm 1948 má sinh thêm một đứa em trai nữa, thì ba xây một cái hầm trú nửa nổi, nửa chìm để tránh pháo.  Lúc nầy cà nông từ Quận Long Toàn bắn về đây ầm ì mỗi đêm.  Mỗi lần như vậy cả nhà chui xuống hầm ngủ. Tôi nghe má niệm Phật đều đều “ Nam mô cứu khổ, cứu nạn….” Ít lâu sau thì ngày ngày nghe tiếng máy bay đầm già ù ù phía ngoài vàm kinh.  Hôm sau máy bay bỏ khu trục bay vòng vòng trút bom ầm ầm ở khu vực nhà chợ và rải rác khắp nơi trên đất cồn. Xóm Cồn nhốn nháo lo đào thêm các hầm núp máy bay khắp các nơi.  Đời sống êm ả đã qua, ba má ngồi nhìn mấy anh em tụi tôi rồi than thở:
-Má thằng L… à! chắc phải lo chạy…chớ cái kiểu nầy không xong rồi.
-Thì ông tính đi, chớ …tui lo lắm…mấy đứa con còn nhỏ.
Anh em chúng tôi thì vô tư chơi đùa. Thằng em nhỏ nằm bú tay chóp chép trên chiếc võng đưa.
Khi đứa em nhỏ của tôi được một tuổi thì máy bay tới trút bom mỗi ngày.  Má thôi ra chợ chiên bánh bán ở nhà lo chăm sóc chúng tôi và lo cơm nước cho cả nhà. Thằng em biết làm dấu máy bay ù ù khi chui từ hầm núp đi lên.  Có hôm tôi và đứa em kế đi đào hang bắt dế ở phía sau… hơi xa nhà.  Máy bay ù ù tới, biết chạy không kịp về nhà. Tôi lôi thằng em nhào xuống một cái hố trống lộ thiên.  Nằm che cho em, tôi lén nhìn lên trời thấy chiếc máy bay khu trục lượn qua lại. Những trái bom từ trên không rơi như ngay chỗ hầm núp. Tôi úp mặt vào lưng đứa em và bắt chước má niệm nam mô…Trái bom rớt đâu đó nổ ầm, anh em tôi bị rung ép tưng tức nơi vùng ngực.  Sau một hồi quần thảo chiếc máy bay bay đi.  Ba má tôi hớt hải chạy tìm chúng tôi: “L.. ơi! S.. ơi! tụi con đâu rồi?”  Chúng tôi hoàn hồn ngoi lên đáp: “Ba má ơi tụi con ở đây.”  Những ám ảnh khiếp đảm trong những ngày tháng đó như những dằn xé tâm hồn non dại của anh em tôi hình như rất lâu lắm mới hồi phục được.
Rồi chiến tranh càng lúc càng đến gần hơn.  Máy bay đầm già quần trên bầu trời nhiều hơn.  Cà nông từ Long Toàn nã ầm ì trên đất cồn. Một thời gian kế, lính Tây đổ bộ từ Quận Long Toàn bằng tàu sắt vào cồn. Ba má cùng đoàn người chạy sâu vào đám rừng đước, du kích bắn trả lính Tây, cà nông nổ ầm ì phía sau đoàn người hớt hải chạy vào rừng sâu. Trong trận càng nầy chúng đốt hết các căn nhà trong xóm chợ.  Khi gia đình chúng tôi cùng đoàn người quay về nhà sau đó một ngày, khu chợ và xóm nhà chung quanh bị cháy rụi còn ngun ngút khói.  Nhiều người kêu trời ơi! trời hỡi…may mắn nhà chúng tôi xa chợ cho nên không bị bom đạn, nhưng dựa chuối trong căn nhà bị tung toé hỗn mang. Phía sau nhà vài đống phân của bọn lính Maróc phóng uế hôi tanh nồng nặc bên cạnh mấy cái bánh Biscuit ăn dở dang. Thằng em tôi định bốc lấy một mảnh bánh.  Má tôi ngăn nó: “Dơ lắm đừng đụng vào.”  Đó là lần đầu tiên anh em chúng tôi thấy được chiếc bánh Tây.
Người dân xứ Cồn nhốn nháo âu lo, có người tìm đường đi về vùng trong.  Ba má tôi cũng toan tính rời nơi đây càng sớm càng tốt.  Ủy Ban Cách Mạng xóm Cồn họp dân và ra lệnh ngăn không cho ai rời bỏ Cồn mà đi.  Ba má mua một chiếc xuồng ba lá dấu ở một nơi khuất trong đám ô rô chờ thời tìm cách trốn thoát khỏi nơi hiểm nguy nầy.
Sau khi bán gần vơi số hàng còn lại trong nhà.  Một đêm tối trời ba má tôi thu dọn một mớ đồ cần thiết, gồng gánh xuống xuồng chèo trong đêm đi về hướng Long Toàn.  Sau gần một đêm lao lách qua các trạm chót của dân quân.  Chiếc xuồng chúng tôi ghé một nơi gần ngôi chùa Miên.  Chúng tôi cùng lên bờ vào chùa xin sư ông cho ở tạm một vài ngày và nhờ người nhắn tin chú tôi ở Long Toàn đến rước.  Lúc đó ai ở vùng xa về, nếu không có người quen ở chợ thì bị mật thám bắt điều tra.
Ngày đầu tiên ngủ nhà chú, anh em tôi ngủ say sưa vì suốt đêm qua ngủ dật dờ trên xuồng.  Sáng sớm tôi nghe ngoài khu chợ ồn ào và nhiều tiếng động rất lạ như tiếng máy bay.  Khi được má dắt tay ra chợ mua đồ ăn. Tôi thấy môt chiếc xe đậu ở đầu chợ.  Người ta ngồi gần chật trong xe. Tôi ngẫm nghĩ, chiếc xe làm sao chạy được, chắc phải hai con trâu mới kéo nổi? Trong lúc đâm đâm suy nghĩ. Tôi thấy một người cầm một cái cây sắt đút vào phía đầu xe.  Ông nầy quay mấy vòng, máy xe nổ ồn ào. Tôi thích thú và ngạc nhiên vô cùng. Thì ra tiếng máy hồi hôm qua tôi nghe được lúc còn ở trong nhà chú tôi là tiếng máy nổ của chiếc xe đò nầy.  Khi chiếc xe lăn bánh chạy, tôi trố mắt nhìn nó như một cái gì đó rất phi thường.  Má kéo tay tôi đi vào khu chợ.  Lần đầu trong đời tôi gần sáu tuổi mới thấy được chiếc xe đò.
Má có người chị ruột ở xã Mỹ Hòa Quận Cầu Ngang, cho nên má bàn với ba nên về chợ Cầu Ngang tìm nhà ở để buôn bán làm ăn.  Ba thì có người chị và cũ Tư, em ruột của bà nội, ở chợ Ngã ba Quận Trà Cú, ba lại muốn về Trà Cú tìm nhà ở.  Chuyện chỗ ở cứ dùng dằng làm ba má cãi cọ không ít về chuyện đi ở…. Nhưng với má thì lúc nào cũng chiều, nhịn ba, cho nên gia đình chúng tôi về ấp chợ Ngã Ba.  Lúc đó là khoảng giữa năm 1951.  Những ngày đầu chưa có nhà, chúng tôi ở tạm nhà người cô thứ Ba ở ấp Xoài Xiêm. Ba liên lạc với mấy người quen hồi còn ở Long Hiệp bây giờ đang sống ở Trà Vinh. Tạm thời ba mua thuốc rê về bày ở chợ bán.  Má ở nhà phụ làm bánh với cô ba đem bán dạo trong Sóc. Anh em chúng tôi đùa vui trong ngôi chùa Miên, hoặc chạy trên những con đường đất quanh chùa. Tiếng trống chùa, tiếng nhạc ngũ âm chập chùng, tiếng kinh cầu của các Lục, tiếng sáo diều du dương, là những ngày tháng êm ả làm đầu óc non nớt của anh em chúng tôi trở lại thư giãn, bình an.  Qua rồi một thời khiếp sợ bom rơi, đạn réo ở xứ Cồn…!
Tôi đi học có nhiều bạn bè lẫn lộn Khơme, Việt, Tàu.  Ba má tôi có cửa tiệm buôn bán nên sự giao tiếp rất rộng rãi.  Ba nói được tiếng Tàu lẫn tiếng Khơme.  Một thời gian dài sau đó gia đình tôi có liên hệ nhiều hơn với người Khơme vì ba tôi có người anh cô cậu, con của ông Củ tôi làm Lục Cả ở Chùa Xoài Xiêm.  Chú ba Lục Sinh có thời gian dài tu ở Chùa ở Long Hiệp, khi lên chức Lục Cả, chú về tu ở chùa Xoài Xiêm. Với mối quan hệ nầy những người Khơme trong quận kết thân với gia đình và họ hàng nhà ông Củ tôi và gia đình tôi. Tết Khơme hay các lễ lạc chúng tôi đến chùa nghe Lục Saal (Tụng kinh).  Các lục trong chùa chỉ ăn một buổi cơm trưa.  Nhóm Lục ngồi theo 2 hàng trên chiếc phản to. Trước mỗi vị Lục có một bình bát đậy nấp.  Lục cả ngồi phía trước quay mặt về hướng 2 hàng Lục đang ngồi xếp chân, nhắm mắt, cuối mặt. Thường Lục cả bắt đầu tụng trước, các Lục khác tụng theo rồi cả nhóm cùng mọi người đứng xung quanh tụng theo.  Các Lục tụng kinh theo tiếng Phạn, lẫn tiếng Khơme nên tôi không hiểu gì hết.  Nhưng với sự bổng trầm của từng âm vọng hòa lẩn có khi cao, có khi thấp, có lúc mọi người ngưng tụng, chỉ còn vị Lục Cả chậm rãi ngân nga…rồi sau đó cả nhóm Lục cùng hòa tiếp theo như một ca đoàn hợp xướng. Trong không khí trang nghiêm ấy…tôi cũng thấy mình như hòa nhập vào những âm thanh rất huyền diệu đó.  Sau khi tụng niệm xong các người dân bản sóc bắt đầu đem thức ăn đổ vào các bình bát cho các Lục.  Lục bắt đầu dùng cơm với mọi người đứng chung quanh phục dịch.  Sau khi các Lục về phòng, mọi người thu dọn và bắt đầu kêu gọi nhau lấy thức ăn và cùng ăn uống vui tươi rộn rả nói cười…Món ăn thường là bún nước lèo thịt heo quay hoặc các loại bánh làm bằng nếp như bánh tét, bánh ích…
Vào mùa lễ dâng bông tắm Phật thường diễn ra khoảng giữa tháng Tư gọi là lể mừng Vô Năm Mới (Chronam Mây).  Những cô gái vận xà rong với màu nhiều sắc rực rở, đầu đội những cái rế bằng rơm cắm nhiều loại bông, có những búp hoa sen chưa nở hẳn được bẻ cánh quặt ra ngoài, xen lẫn với những hoa giả làm bằng giấy màu hoặc tiền giấy.  Các người đàn ông thanh niên cầm các bó hoa sen. Đoàn nhạc ngũ âm đánh vang vang theo đoàn người đi vòng ngôi chùa chính 3 vòng.  Cuối cùng đoàn người đi theo các Lục vào ngôi chùa chính để làm lể tắm Phật.
Kết thúc mùa gặt hái, người Khơme có lễ hội Ăn Ót.  Đây là lễ hội ăn cốm dẹp. Lễ hội nầy là lể hội ăn mừng và cám ơn Trời Phật sau vụ mùa gặt hái, thường diễn ra trong giữa tháng 10.  Giữa hai mùa lễ nầy là lễ Xi Duôn Tà vào tháng Tám gần giống như lễ Vu Lan của ta và lễ Tạ Ơn của phương Tây. Trong ngày lễ nầy, họ cúng kiến ông bà tổ tiên đã mất, ban phát thức ăn cho mọi người.  Những gia đình khá giả thường tổ chức những đám ăn uống linh đình. Trước nhà cờ phướng bay phất phới.  Họ chiêu đãi mọi người trong Sóc không cần phải họ hàng, thân quyến cùng ăn uống, ca hát, nhảy múa lâm thôn với nhạc điệu ngũ âm vang vang…
Cốm dẹp làm từ những hạt nếp đầu mùa nhưng chín chưa tới gọi là nếp non.  Nếp mới được giã vỏ, bụm tay bỏ vào chảo hoặc cái nồi đất có nấp đậy để rang.  Khi hột nếp nổ lốp bốp là đổ ngay ra để đâm Công việc nầy cần thêm hai người nữa.  Một người dùng cối và chày để đâm cốm, người ta gọi cối nầy là cối dọt và chày dọt; Loại cối khoét từ thân cây to hơn hai bắp chân, khoét mũm sâu như cái ô đồng. Còn cái chày làm bằng khúc gỗ tròn, hai đầu được gọt tròn láng, phần giữa gọt nhỏ cho vừa bàn tay nắm vào.  Một người còn lại lo sàng, sẩy.  Manh sàng thường được đang bằng ruột tre lát mỏng liền nối với vành tròn bằng thanh tre nhỏ uốn tròn. Cái sàng bề ngang chừng ba, bốn tấc, cũng như cái sàng, cái nia thì to hơn dùng để phơi lá chuối hoặc các món khác cần phơi nắng.  Công việc đâm nếp mới rang phải thật nhanh vì khi nếp còn nóng thì cốm mới dẻo, còn để nguội thì khi đâm dễ bị nát và không dẹp ra.  Mỗi hạt nếp sau khi đâm bẹp xuống thành những miếng cốm deo dẻo.
Trong lễ Ăn Ót, mọi người kêu mình nhắm mắt lại, một người nào đó đến đứng trước mặt.  Họ bảo mình hả miệng ra, sau đó họ nhét vào miệng mình một bụm cốm dẹp … Người nhận ăn phải lấy tay bụm lại cho cốm khỏi rớt ra ngoài. Theo quan niệm của người Khơme đó là cái lộc, không được để rơi rớt.  Để cho dễ nhai nuốt, đôi khi họ còn dồn thêm chuối chín vào miệng để dễ nhai, nuốt.  Lúc mở mắt ra đôi khi mình mới biết người đơm cốm dẹp cho mình ăn lại là các thiếu nữ trẻ đẹp. Tất cả mọi người đứng chung quanh cùng cười rộ, reo vui, hòa với tiếng nhạc ngũ âm rộn rã.
Người Khơme mỗi năm chỉ làm một vụ mùa khoảng từ rớt hột mưa vào tháng Tư, tháng Năm cho đến tháng 10, 11 là xong mùa lúa.  Sau nầy có thay đổi vì có nhiều giống lúa ngắn ngày. Tuy vậy các ngày lễ vẫn không thay đổi. Từ tháng 8 đến tháng 10 có rất nhiều lễ hội rất vui.  Lẽ dỉ nhiên bọn trẻ chúng tôi không bao giờ vắng bóng trong các lễ hội đó.
Qua các giao lưu như vậy đến Tết Việt thì người Khơme thân quen họ cũng đem các quà biếu đến nhà mình như gà vịt, bánh ích, bánh tét.  Lúc nầy tôi bập bẹ được tiếng Khơme và có vài bạn học gái, trai người Khơme rất thân.  Cho đến lớn sau nầy chúng tôi đi làm việc hoặc vào lính cũng còn thân thiết với nhau.  Đa số người Khơme sống rất chân thật và quý mến mọi người.  Họ ghét nói dối. Ai nói dối với họ một lần thì họ nhớ đời.  Cho nên trong xã hội cho dù loại sắc dân nào cũng có người vầy người khác.  Cái điều quan trọng là sống có tình nghĩa, chân thật chan hòa với nhau thì được bền lâu…
Anh em chúng tôi có những ngày tháng sống với nhịp sống êm ả đó được vài năm thì tình hình trong quận lỵ cũng như các làng xã bắt đầu có nhiều chuyển động.
Năm 1954 qua hiệp định Geneve được ký kết tại Pháp, chia đôi đất nước.  Mặt trận Việt Minh tập kết về các điểm tập trung ở các quận lỵ, tỉnh thành để chờ di chuyển về phương Bắc.  Một buổi chiều, bộ đội dép râu đi hàng hai với ba lô súng đạn từ phía ruộng về, và tập trung ngoài sân chợ khoảng vài chục người. Lính Quận thì giữ nguyên vị trí trong các đồn bót.  Dân chợ hiếu kỳ ra đứng trước nhà nhìn bộ đội với quần áo màu đen ngồi vòng tròn, vừa hát vừa vỗ tay nhịp nhàng.  Đêm xuống họ đốt lửa, nắm tay nhảy vòng vòng hát sôn đố mì.  Mờ sáng họ dọn dẹp chỗ đóng quân và xếp hàng hai im lặng đi ra cầu Ngã Ba xuống ghe đi về hướng vàm.  Họ đi về đâu?  Người ta nói họ được đưa ra Bắc bên kia vĩ tuyến 17, vì theo hiệp định Ba Lê từ tuyến 17 ra Bắc là chính quyền do Việt Minh lãnh đạo. Từ vĩ tuyến 17 trở vào là của chánh quyền Tự Do.  Lằn ranh phân chia hai miền là con sông Bến Hải. Trong đoàn người đi nầy có anh Hai con người cô thứ Ba và chú Ba Lục Sinh con của ông củ Tư làm Lục Cả của chùa Xoài Xiêm cùng đi tập kết ra Bắc.
Các bộ đội Việt Minh rút hết sang phía Bắc vĩ tuyến lập chánh quyền theo chủ nghĩa Cộng Sản như Liên Sô và Tàu, còn phía Nam là phần đất của chánh quyền Miền Nam được Mỹ hỗ trợ theo chánh thể Cộng Hoà.  Cũng theo hiệp định nầy thì sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử Nam, Bắc để thống nhất Bắc Nam.  Chánh quyền lúc nầy sẽ là chánh quyền do dân chọn để lo việc cai trị toàn đất nước. Việt Nam lúc nầy có hai chánh quyền.  Một phía từ vĩ tuyến 17 ra đến giáp ranh Trung Hoa.  Một từ vĩ tuyến 17 xuống đến mũi Cà Mau.
Ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về chấp chánh làm Thủ Tướng.  Bảo Đại làm Quốc Trưởng ở miền Nam.  Ngô Đình Diệm âm mưu lật đổ Quốc Trưởng Bảo Đại qua cuộc trưng cầu dân ý và tổ chức bầu cử để lên làm Tổng Thống đầu tiên với sự yễm trợ của Mỹ.  Ngô Đình Diệm lo củng cố quyền lực, ổn định đất miền Nam, dẹp lực lượng Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài.  Miền Nam lúc nầy tạm yên ổn.
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe được tiếng phát thanh từ cái loa cột trên một cây tre dài. Tôi thường ẵm em gái thứ Năm, lúc đó chừng hơn một tuổi đi đến ngồi chơi gần cây cột tre nghe cái loa phát thanh tin tức và ca nhạc.  Đêm nay trăng sáng quá em ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu...” Bài hát nầy cứ hát đi hát lại tôi nghe hoài muốn thuộc luôn.
Chánh quyền Miền Nam lo củng cố quyền lực, ban hành nhiều chánh sách để lấy lòng dân.  Chánh quyền thành lập các đoàn xây dựng nông thôn, đưa đoàn viên đi các nơi xây cầu, lập ấp…Đồng thời Chánh phủ ban hành chánh sách người cày có ruộng.  Chánh phủ mua lại đất đai của các điền chủ, chia lại cho dân.  Lúc nầy dân chúng nông thôn rất vui mừng vì có đất canh tác.  Đời sống thành thị thì cũng càng sung túc thêm lên nhờ các công trình cầu đường được thiết lập đó đây. Trường học được mở mang đến qun, làng. Trên sông nước bắt đầu người ta chạy xuồng bằng chiếc máy đuôi tôm hiệu Colair.
Các đoàn chiếu phim lưu động. Màn ảnh được kéo dựng nơi sân chợ.  Máy quay phim đặt trên xe cam-nhông chiếu ánh sáng lên màn ảnh.  Mỗi lần có xe chiếu phim lưu động tới người dân trong chợ đưa gia đình tới xem.  Bọn con nít chúng tôi có dịp tụ họp chạy giỡn rất vui. Hồi đó tôi còn nhớ đoàn chiếu phim đang chiếu cuộn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” ghi lên những cuộc đấu tố tại miền Bắc trong chánh sách diệt địa chủ, diệt tư sản, cải cách ruộng đất và cuộc di cư của cả triệu người dân miền Bắc vào Nam trong các chuyến tàu há mồm hoặc vượt sông Bến Hải vào Nam.
Trong lúc mọi người đang xem phim thì có nhiều viên đá liệng vào đám đông.  Mọi người xôn xao chạy tán loạn …Lính quận cùng công an tìm bắt những đứa trẻ ném đá, nhưng không làm gì cả vì họ coi như trò phá khoấy của trẻ con… Sau nầy tôi biết được qua vài người bạn trong nhóm đó kể lại đó là do một người tên Chí xúi dục các bạn làm như vậy. Anh Chí có tài thổi kèn Armonica và đánh đàn Mandolin rất điệu nghệ.  Bọn trẻ thường vây quanh anh để xem anh biểu diễn cho nên khi anh bảo tụi nhỏ ném đá thì chúng cứ hùa ném cho vui thôi chớ nào biết chủ đích của anh là muốn phá cuộc chiếu phim. Anh Chí là một cán bộ nằm vùng hoạt động cho Việt Cộng.  Sau nầy anh bị lộ và bỏ trốn vào khu.
Tôi được xem nhiều phim thời sự như các trận đánh của quân chánh phủ với Bình xuyên, Hòa Hảo. Các cuộc duyệt binh của Tổng Thống họ Ngô.  Các cuộc kinh lý về các nơi thôn ấp, tỉnh Thành…Nhưng cái ấn tượng của “Phim Chúng Tôi Muốn Sống” do Kiều Chinh đóng vẫn ghi vào hồn tôi rất lâu…
Theo chỉ thị từ miền Bắc, các cán bộ Việt Minh được cày đặt cùng các loại vũ khí được cất giấu khắp nơi, bắt đầu hoạt động mạnh hơn bằng cách tuyên truyền đánh phá chánh sách của chánh quyền hoặc gây cản trở công việc của cán bộ xây dựng nông thôn.  Dân chúng vùng xa thì bị tuyên truyền, lối kéo về phía bên ngoài.  Dân bên trong thì theo bên trong với chánh sách dinh điền, chia cấp ruộng đất.  Lập ấp, lập làng sinh hoạt buôn bán.
Nói tóm lại hai bên tìm cách gom dân về mình.
Chánh quyền Miền Nam biết Việt Cộng đã chuẩn bị mọi kế hoạch theo chỉ thị của Chánh quyền miền Bắc, nên bắt đầu cho công an mật vụ đi lùng bắt các cán bộ đang còn ẩn mình trong làng xóm.  Có một số bị bắt, một số chạy thoát về các vùng sâu. Chánh quyền Ngô Đình Diệm ban hành luật số 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.  Máy chém được đem đi khắp nơi để thi hành bản án tử hình với nhưng ai hoạt động cho bên ngoài.
Khoảng năm 1959 ở Trà Vinh có một vụ xử tử người bằng máy chém ở xã Tầm Phương.  Cho đến nay tôi chí còn nhớ là họ Huỳnh nhưng quên tên.  Hôm đó bọn học trò chúng tôi nghe tin có xử một người hoạt động cho VC bằng máy chém.  Chúng tôi hẹn nhau trốn học và đạp xe đạp chở nhau đến Tầm Phương cách thị xã hơn 10 ký lô mét để xem.  Nơi xử chém là một khoảng đất trống, xung quanh là những hàng cây dầu to cao.  Chúng tôi đến nơi thì thấy dân chúng bu quanh khu vực rất đông. Vài người bạn tôi chen lấn được vào gần bên trong, còn tôi thì chỉ đứng nhón gót bên ngoài để cố nhìn vào.  Chiếc máy chém đặt ở giữa quay đầu về hướng chùa Hang.  Khi chiếc xe bít bùng chở tử tội đến thì mọi người nhốn nháo xô đẩy nhau khiến tôi dạt ra bên ngoài nên chẳng thấy gì cả.  Sau đó bạn bè thuật lại cho tôi nghe. Thằng bạn kể: “Sau khi đọc bản án. Hai người cảnh sát mặc trang phục màu trắng đến mở cửa xe và lôi tử tội ra. Đầu tử tôi bị trùm kín bằng chiếc bao màu đen. Họ đẩy tử tội nằm sấp trên bàn máy chém…Một tiếng hô to. Chiếc dao từ trên rớt nhanh theo hai đường rẽ của hai thanh sắt hai bên chặt đứt lìa đầu tử tội và rớt vào cái thùng đựng mạt cưa để sẵn ngay phía dưới. Thân tử tội bị lật ngang qua chiếc quan tài. Họ đậy nắp và đưa lại lên xe bít bùng.”
Sau nầy có một Trung Úy Trung Đội Trưởng Pháo Binh tên Huỳnh Chí Thiện đóng ở Tầm Phương theo Việt Cộng. Tôi ngẫm nghĩ không biết có phải người nầy có họ hàng gì với người bị xử tử họ Huỳnh năm xưa hay không? Viên sĩ quan nầy tổ chức cho binh lính ăn nhậu rồi bỏ ngõ cho bên ngoài xong vào bắn giết toàn bộ vợ, con và binh lính trong Trung Đội Pháo Binh.  Hai trái đạn bắn vào tỉnh nhưng rơi bên ngoài dinh tòa tỉnh.  Người ta nói nhờ Trung đội Nghĩa Quân gần đó bắn trả nên họ chỉ bắn được hai quả, nếu không chắc còn thêm nhiều trái bắn đi nữa.  Sáng ra, lính từ Tiểu Khu hành quân đến lục soát thì chỉ thấy một viên Thượng sĩ bị vết đạn bắn vào một bên đầu còn sống. Tất cả binh sĩ và vợ con của họ đều bị toán tấn công bắn giết sạch.  Ông khai là người bị viên sĩ quan bắt ông khai quả.  Ông điều chỉnh lệch đi một chút, nếu không thì các quả đạn sẽ rơi đúng vào Tiểu khu và tòa tỉnh.  Khi rút đi chính viên sĩ quan nầy bắn vào đầu ông?  Rất may viên đạn chỉ trợt xuyên rách ngoài da đầu.  Ông lanh trí giả chết nên mới còn sống sót. Tất cả lính và vợ con của lính trong đồn đều bị giết sạch bằng súng hoặc bằng các quả lựu đạn…!

No comments:

Post a Comment