Chương
2
Khoảng năm 1954 đứng đầu quận lỵ là quận
trưởng người Việt. Tôi nhớ lúc đó chủ quận tên là Xây người ta gọi ông là Quận
Xây. Quận Xây là con của một gia đình giàu có, học trường Tây ở Sài Gòn
được bổ về làm quận trưởng tại đây. Ông là Quận Trưởng chính gốc Việt đầu tiên
tại quận Trà Cú trong chánh quyền Ngô Đinh Diệm. Các chức vụ còn lại từ thời
Tây như Cai Tổng, Hương Quản vẫn còn….Tôi còn nhớ vào lúc đó có người Khơme làm
chức Cai Tổng như Ông Cai Tổng Tiệp, chức Hương Quản là Hương Quảng Bữu…
Mới hồi cư từ Cồn Cù về, gia đình chúng
tôi ăn ở tạm tại nhà người cô thứ Ba ở ấp Xoài Xiêm. Vốn là người buôn bán
nhưng không có vốn. Ba gom được một mớ tiền có được lên Trà Vinh mua
thuốc rê về bán lẻ tại chợ quận. Ba lên xuống từ quận lên Trà Vinh được
vài lần thì một hôm ba vừa ôm bao thuốc rê xuống xe tại bến xe quận thì bị lính
tới vây bắt trói ba và dẫn vào dinh quận. Ba ngơ ngác không biết việc gì
mà họ bắt ba. Mọi người xung quanh cũng vô cùng hoảng sợ. Họ bắt ba
vào dinh quan và tra khảo vì họ nói ba là người của Việt Minh từ xứ Cồn về hoạt
động. Hay tin ba bị bắt má và anh em tôi cùng bà nội từ Ấp Xoài Xiêm chạy
bộ về đứng trước cửa dinh quận. Chúng tôi đang nhìn ba tôi bị trói quặp
hai tay về phía sau trong tư thế nằm ngửa giữa sân. Một người vạch miệng
ba, một người đổ thùng nước vào miệng. Ba bị sặc sụa và oằn mình đau đớn.
Chúng lại dùng chân đạp vào bụng đang căng phồng nước. Ba oằn đau
kêu: Trời ơi! Nuớc và thức ăn phọt trào với nước mắt ba ràn rụa.
Chúng tôi đứng nhìn cũng quặn đau theo ba. Bà nội bò lếch vào bên
trong van xin viên Cai Tổng người Khơme đang đứng khoanh đứng trên bậc thềm của
dinh quận. Bà nội lếch tới gần ông và van xin: Bòn ơi tha cho con tôi
đi. Nó có tội gì đâu…! Viên Cai Tổng bỏ vào bên trong. Bà nội
cuối gập người gào khóc thảm thiết.
Tại sao họ
hành hạ ba tôi như vậy. Gia đình tôi trốn chạy bom đạn về đây để mong có
cuộc sống an cư chứ có làm gì nên tội đâu mà họ lại bắt ba tôi tra tấn tàn nhẫn
như vậy? Ba tôi có
tội gì…? Tôi nói thầm trong lòng : “Ba ơi! lớn lên con sẽ trả thù cho ba!”
Má đem bán
hết đồ nữ trang ngày cưới, bán chiếc đầu máy may mà bà ngoại mua cho khi xuất
giá, đổi được một mớ tiền đỏ sang tiền xanh, mượn thêm một ít tiền của ông Củ
mới đủ để chuộc ba ra khỏi tù tội oan khiên. Thì ra bọn họ bắt ba đánh đập để
kiếm tiền chuộc.
Ra tù, ba
bị bệnh suốt gần cả năm mới ngoi đầu dậy cùng má gây dựng lại cơ ngơi từ hai
bàn tay trắng. Ba má lại vay mượn thêm tiền của ông Củ để cất tạm một căn
nhà nhỏ cột tre xiêu vẹo. Ba lại lên tỉnh mua một ít đồ về bán tại nhà.
Cơ ngơi lúc nầy chỉ một túm vải nhỏ bán lẻ tại nhà ở đầu đường Ngã Ba.
Việc buôn bán không khấm khá vì xa chợ và chỉ vài tháng sau đó thì bị trộm xông
thuốc mê, cậy cửa vào nhà lấy hết túm đồ và thêm chiếc vali nhỏ với một ít tiền
cùng đôi bông tai còn lại của má. Khi đứa em trai nhỏ của tôi gọi Ba ơi!
Ba ơi! Em đòi đi tiểu tiện, thì ba má tôi mới hay tất cả gia tài
còn lại đã mất tán. Ba má buồn rầu cả tháng vì cơ nghiệp mới gượng lên đã
bị tiêu tan.
Ba má quyết
định bán căn nhà nầy để vào ở gần khu chợ cho an toàn và dễ dàng cho việc buôn
bán hơn. Thế là ba má phải đi vay mượn tiền thêm của ý Hai, chị ruột của má để
mua căn nhà gần chợ. Buôn bán là sở trường của ba, chứ ngoài ra ba không biết
phải làm gì. Với một ít vốn còn lại, ba được các người bạn quen giới thiệu với
mấy ông chủ tiệm ở Trà Vinh mua hàng về bán ở chợ. Các chủ tiệm nghe nói
ba cũng là người Tàu nên cũng có ý giúp đỡ. Khi tiếp xúc với họ, ba dùng
ngôn ngữ Tiều Châu nói chuyện, cho nên mấy chủ tiệm người Tàu rất ưu ái.
Họ cho ba mua đồ chịu, bán có lời ăn, vốn trả sau. Họ còn cho gối
mượn, nên việc buôn bán khấm khá dần.
Tôi đi học hơi trễ so với lứa tuổi của tôi. Tôi vào lớp Năm, lúc đó tôi đã
7 tuổi còn ngồi chung với mấy đứa nhỏ hơn. Là một đứa bé ở xứ khỉ ho cò
gáy Cồn Cù quê mùa, tôi bị mấy đứa nhỏ cùng lớp ăn hiếp. Một hôm vì không nhịn
được tôi đánh một đứa học trò người Miên cùng lớp. Chiều đó ba của thằng
nhỏ bị tôi đánh kéo nó đến nhà tôi la lối om sòm:
- Ê tụi mầy để con tụi mầy đánh
con tao.
Ba tôi kêu
tôi ra hỏi:
- Con có đánh con của bòn nầy không?
Tôi lấm lét
nhận có và nói:
- Tại cái thằng Thổ nầy ăn hiếp con trước
đó ba.
Người nầy
trợn mắt:
- Ê sau tụi mầy nói tụi tao là Thổ…tao giết tụi mầy.
Nói rồi ông
ta sấn tới chộp tôi, tôi vung tay chạy ra ngoài nhà. Ông ta rượt theo
tôi, miệng la: “Mầy kêu con tao là Thổ tao giết mầy.” Ba tôi chạy
theo và nói: “Cho tôi xin lỗi… bòn ơi! tôi sẽ đem nó về đánh đòn”. Hắn
ta nói :
- Ừ…xin lỗi…. tao chịu đó…nhớ bắt nó về đánh và không
được nói tụi tao là Thổ nghe không…?
Từ đó ba
tôi căn dặn tôi không được gọi họ bằng Thổ mà là người Miên.
Tôi quen
gọi người Khơme là Thổ vì những ngày tháng ở Cồn Cù bà con, chòm xóm và mấy ông
trong phong trào Việt Minh gọi họ là Thổ. Sau nầy khi lớn lên tôi biết được chữ
Thổ có nghĩa là thổ dân mọi rợ cho nên đã làm họ tức giận. Còn chữ Miên
là cách gọi ngắn lại của nước Cao Miên. Hồi thời đó người ta gọi nước
Cambochia là nước Cao Miên, cũng như gọi Thái Lan là nước Xiêm La.
Tôi còn nhớ
một việc mà gần như thêm một dấu ấn nữa sau cái vụ bị ức hiếp của một người
Miên như nói trên. Đó là vụ tôi bị thầy giáo Đồng bắt tôi nằm sấp đánh
mười roi với mười đường rướm máu khi đứa con thầy là bạn học cùng lớp đùa giỡn
với tôi và bị té trặc khuỷu tay.Thằng bạn mét với thầy là tôi lôi kéo để làm nó
té. Sau buổi học về, tôi mếu máo khóc với ba má tôi và nói lại mọi sự
việc. Ba má cởi quần tôi ra xem. Má than thở “Thầy giáo gì mà đánh con
người ta dữ dằn như vậy. Ba kêu tôi mặc quần lại và cùng ba sang nhà
thầy Đồng để hỏi cớ sự. Ba vạch đít tôi cho thầy xem và nói: “Sao thầy
đánh con tôi đến nông nổi nầy vậy thầy, ngày mai tôi lên hỏi ông Hiểu Trưởng
mới được.” Lúc nầy tôi nói với thầy Đồng là tôi không có lôi trò ấy
mà chỉ va chạm khi chạy giỡn với nhau thôi. Thầy hỏi con thầy coi có phải như
vậy không? Thằng con thầy lúc nầy ú ớ. Thầy biết mình quá hấp tấp nghe lời con
mình mà đánh tôi. Thầy lộ vẻ hối hận… Thầy phân bua đôi điều và nói lời xin lỗi
với ba tôi. Hôm đó khi theo ba má ra về tôi thấy hả dạ vô cùng. Tôi nhớ
thầy hiệu Trưởng lúc đó tên Nguyễn Văn Mà.
Qua mùa hè
của năm đầu đi học, lên lớp Tư, tôi học với cô giáo tên Hoa. Cô còn trẻ và rất
nhỏ nhẹ với học trò. Suốt năm học tôi chưa bao giờ thấy cô lớn tiếng hoặc
đánh học trò một roi. Cô rất thương tôi. Đôi lúc gặp cô ở đâu đó
ngoài giờ học, tôi khoanh tay cuối đầu dạ thưa. Thường khi như vậy, cô đưa tay
nựng vào đôi má phúng phính của tôi, đôi khi úp bàn tay xoa xoa lên cái đầu hớt
cua gần như trọc tóc của tôi. Lúc đó tôi sung sướng vô cùng. Có một
lần cô đi phía sau lưng và lấy hai tay bịt mắt tôi. Thân cô dường như áp
sát gần tôi. Tôi nghe được mùi nước hoa thơm nhẹ từ người cô và cả đôi bàn tay
của cô cũng phơn phớt thơm nồng. Lúc đó tôi không biết ai nhưng khi cô bỏ
tay ra và hỏi trò làm gì ở đây? Tôi lúng túng chưa kịp trả lời thì cô im lặng
bỏ đi. Cái cảm giác gần gũi đó đã là một cảm xúc mà tôi nhớ rất lâu… khi
không còn có dịp gặp lại cô. Cô đã thuyên chuyển đi nơi khác.
Lên năm lớp
Nhất tôi học với thầy Giã. Thầy rất nghiêm khắc nhưng rất ân cần với học trò.
Cuối năm học thầy dạy tôi bài hát để trình diển trên khấu nhà trường. Tôi
nhớ thầy dạy cho tôi bài hát “Trai Hùng Nam Quốc” có câu “Trai hùng Nam quốc
quyết đem thân ra với sa trường.Tay mài gươm báo quyết tâm đánh quân sài lang…”Thầy
chỉ dạy cho tôi điệu bộ khi trình diễn bài hát. Như mài kiếm…tuốt gươm.
Buổi trình diễn trên sân khấu đầu tiên trong đời tôi.
Năm Nhâm
Thìn 1953 bão lụt, căn nhà cột tre vách lá của gia đình tôi bị gió lốc thổi đu
đưa. Ba chạy tìm cây để chống nhà khỏi xiêu đổ. Mưa dầm dề, mưa trùm kín
người ba sũng ướt, ba cố dùng các thanh tre để chỏi hai cột cái…nhưng vô
ích…Căn nhà đổ nghiêng. Cả nhà chạy ra ngoài trời đang giông bão. Má dùng
manh chiếu phủ lên chúng tôi tạm cho khỏi ướt. Qua cơn giông, tôi nhìn
căn nhà của mình bị sụp xuống nhưng còn khoảng trống bên trong. Gia đình tôi
tạm chui vào đó để tránh cơn rét lạnh của cơn mưa còn rả rích. Gần hai
ngày sau, nhờ sự giúp đỡ của các người hàng xóm, căn nhà được kéo lại tạm ngay
ngắn. Ba đi tìm mua thêm các cây tre để chống chỏi cho căn nhà được vững
chắc thêm. Năm đó gia đình tôi hết sức cơ cực, nhiều khi thiếu củi đốt ba
kêu tôi cùng đi với ba băng qua các cánh đồng, tẽ các gốc cây khô, lượm những
nhánh cây gãy nằm sâu trong bùn đất, đem về phơi khô làm củi đốt nấu nướng.
Đôi lúc buổi cơm chỉ có muối quẹt, đọt rau. Thấy bạn bè đi câu có cá đem
về cho gia đình. Tôi vác cần câu ra mé sông câu cá. Có hôm tôi mang cá
câu được đem về nhà, má thấy được, má la rầy tôi là không được đi câu cá…câu là
móc mép, móc họng cá…tội lắm…Má kêu tôi liệng bỏ cần câu và cái giỏ đựng cá….
Má sinh
thêm đứa em thứ Sáu thì chợ dời lại ra ngoài khu ba má ở hồi trước, cho nên ba
má phải dùng xe đẩy đem đồ đi ra chợ từ hừng đông sáng. Tôi đi học về thì lo
phụ giữ em hoặc phụ giúp má nấu cơm quét nhà. Con nhà nghèo lại là anh
lớn trong gia đình. Tôi biết mình cần phải giúp việc nhà để má có thời gian lo
buôn bán với ba.
Một khu nhà
gạch mới được xây bên hông chợ. Ba nghĩ là phải mua một căn để khỏi phải
kéo đồ bán đi xa. Vã lại việc mua bán khấm khá, nên đồ bán càng lúc càng nhiều.
Mỗi lần dọn chợ phải kéo nhiều chuyến xe. Nếu ở căn nhà sát chợ bày
bán tại nhà thì rất thuận tiện mọi bề. Ba không đủ tiền mua nguyên căn
nên cùng với cậu Bảy, em ruột của má lúc nầy làm Cai Tổng ở dinh Quận mua một
căn nguyên chia hai, mỗi gia đình một nửa. Sau nầy phía ngoài bờ sông
được cho xây cất nhà dọc theo bờ đối diện phía bên kia chợ. Cậu Bảy nhường bán
nửa căn nhà cho gia đình tôi và dời sang bờ sông cất nhà mới. Công việc làm
ăn của ba má lúc nầy khởi sắc hơn nhiều. Ba thối tiền đủ cho cậu Bảy để
nới căn nhà rộng thêm.
Trong căn
nhà nầy má lần lượt sinh thêm các em tôi, trước sau cả thảy là 8 đứa, tính luôn
tôi là 9, gồm sáu trai ba gái. Má bị mất một đứa em trai mới chào đời
được hai ngày vì bị ngộp chết. Má cứ hối hận hoài vì nghĩ mình bất cẩn
nên để con bị nghẹt đàm nhớt chết. Nếu không, anh em tôi đếm chẵn mười người.
Chín anh em
chúng tôi lớn dần lên trong cơ nghiệp của ba má cũng càng lúc khá lên. Đó
là nhờ sự cần cù siêng năng khéo léo mua bán của ba má. Ba má sống cuộc
đời cần kiệm mực thước. Từ buôn bán lẻ ba trở thành tiệm buôn sỉ. Trước đây ba
tôi mua hàng ở Trà Vinh, vì nhu cầu người mua càng lúc càng đông, nên ba tôi
nghĩ cách đi xa hơn, mua hàng rẻ hơn và đầy đủ chọn lựa hơn. Lúc nầy ba
lên Chợ Lớn mua hàng. Chuyến đi chở hột vịt bán cho chành thu mua hột vịt
ở Chợ Lớn, chuyến về mua vải vóc bán lại cho các tiệm buôn trong cả Quận.
Khi chuyến
hàng về má giúp ba cùng đóng gói hàng theo toa đặt trước. Ba dùng xe
Honda hai bánh chở từng bó vải đi giao hàng. Mỗi ngày ba chạy rất nhiều
lượt đi về. Khi giao hàng xong ba chuẩn bị đi thu gom hột vịt ở các nơi
đầu mối. Có lúc kéo bằng xe ba gác, có khi phải đi bằng xuồng đến các
vùng đồng ruộng xa. Thấy ba quá cực nhọc, nhiều lúc nghỉ học hè tôi cùng theo
phụ khiêng gánh hột vịt với ba. Tôi khiêng với ba từng cần xé hột vịt nặng trĩu
và kéo về. Má lo bán vải lẻ ở nhà và nhận toa đặt hàng. Khi hột vịt
chuyển về má xoắn tay phụ với ba phân loại hột vịt theo từng loại lớn nhỏ theo
từng cần xé riêng. Công việc của ba liên tục suốt hai tuần lễ thì đủ cho
chuyến xe hàng chở hột lên Sài Gòn. Ba lại xách túi quần áo đi theo
chuyến xe lên Chợ Lớn giao hột cho chành và đặt mua vải vóc ở các cửa hàng ở
Chợ Lớn. Công việc hoàn tất trong một ngày. Ngày hôm sau ba theo
chuyến hàng về. Công việc của ba má cứ tuần tự như vậy qua năm tháng.
Có một lần
ba cột chiếc xe kéo vào chiếc xe gắn máy. Tôi ngồi trên chiếc xe ba gác hai tay
vịn vào yên xe gắn máy. Ba nghĩ ra cách nầy để đi mau hơn. Khi xe chạy trên lộ
lớn ít bị tròng trành và hai tay tôi vẫn giữ chặt cái yên xe của ba, đến khi xe
kéo vào đường giồng mặt đường không phẵng nên chiếc ba gác bị tròng trành.
Sợi dây cột vào xe gắn máy bị tuột ra và tôi không còn bám giữ được vào
yên xe ba. Chiếc ba gác mà tôi ngồi trên đó bị văng ra và cày qua một bên
đường, lướt lên bụi dứa gai. Chiếc gắn máy của ba cũng bị tròng trành và ngã
sang một bên. Tôi thấy ba ngã ra mặt đường. Ba lồm cồm đứng dậy và hối hả chạy
về phía tôi hỏi: Con có sao không con? Tôi nói không sao ba ơi! Ba
bước càn lên bụi dứa và ôm tôi ra ngoài. Tôi không sao cả nhưng đôi chận ba bị
những mũi nhọn của cây dứa cào rách quần tươm máu. Tôi nói: Ba ơi! Chân ba bị
ra máu rồi...Ba nói không sao đâu, ba sợ con bị thương thôi. Lần sau ba
không làm như vầy nữa…Ngày hôm đó ba tôi khập khiễng cùng tôi đem về chỉ một số
ít hột vịt. Tôi xúc động vô cùng, khi nghĩ ba chẳng lo gì nguy hiểm cho Ba mà
chỉ nghĩ đến tôi.
Thấy gia
đình đông anh em. Ba má quần quật khổ cực mà chẳng khi nào bắt chúng tôi ở nhà
để cùng phụ giúp. Tôi thấy ba má gian khổ vì chúng tôi quá, nên sau khi đậu
trung học, tôi nghĩ ngay đến việc phải thi vào một trường nghề nào đó để có thể
tự lo kiếm tiền cho bản thân, bớt đi gánh nặng cho ba má, còn có khi giúp được
các đứa em của tôi. Tôi cảm nhận muốn chia sớt gánh nặng với ba má và muốn các
em tôi có điều kiện tiến thân. Tôi thi vào Trường Sư Phạm Vĩnh Long nhưng bị
rớt. Hồi đó các cuộc thi tuyển rất khó khăn cả ngàn thí sinh chỉ nhận vài
chục người ở hạng cao. Tôi rất buồn vì không đạt được ý nguyện. Có lần từ Quận
lên Trà Vinh mua đồ, ba ghé nhà chú Năm, nơi tôi ở trọ học cùng với hai hai đứa
em kế. Ba nói: “Con ráng học thêm lên đi, ba lo được mà!” Thế là
tôi yên trí tiếp tục học nữa, không còn nghĩ đến chuyện thi vào trường nghề.
Năm tôi xin
lên Sài Gòn học, thì ba tôi mua được một căn nhà ở Trà Vinh. Mấy đứa em
sau nầy của tôi có nơi ăn ở và đi học. Tuy nhiên tụi nhỏ phải lo cơm nước tự
túc. Má thường gởi đồ ăn từ quê lên, nên các em tôi chỉ cần lo phần nấu
cơm. Cũng may có đứa em thứ năm là gái cho nên nó cáng đáng việc lo ăn
uống cho cả nhà.
Năm tháng
trôi qua êm đềm trong mọi sinh hoạt. Ba má cật cực bán buôn. Chúng
tôi ai nấy đều cố công học tập để chuẩn bị cho tương lai với ước mong có cuộc
sống ít kham khổ hơn ba má. Ba má thường nhắc nhở chúng tôi" “Các
con ráng học hành đỗ đạt để sau nầy không cực như ba má và ráng có một chỗ đứng
tốt trong xã hội, không bị người ta ức hiếp,chèn đạp...”
Anh em
chúng tôi vẫn còn đi học. Ba má chúng tôi vẫn còn buôn bán, tuy hơi khó khăn
trên đường đi nước bước. Từ Trà Vinh về Quận Trà Cú chỉ hơn ba mươi cây số mà
đi gần ba bốn giờ xe chạy gập ghềnh với đường bị đào bới hoặc hư hại vì xuống
cấp, thiếu tu bổ, chưa kể nhiều khi đường bị Việt Cộng đắp mô, chôn mìn thì xe
phải đậu lại chờ lính đến phá mìn, bang đất xong xe cộ mới lưu thông được.
Mọi người ngồi trên xe chạy mà cứ phập phồng nhấp nhổm khi đến những đoạn
xa đồn bót. Vào những lúc khó khăn nầy ba tôi dùng xe Honda chạy lên xuống từ
tỉnh về Quận và ngược lại. Hàng hoá thì gởi xe đem về. Ban đêm VC
thường pháo kích vào Quận. Ban đầu ở xa xa ngoài các đồng trống, dần dần
họ điều chỉnh lại. Nhiều trái pháo của họ rơi vào khu phố chợ làm chết và
bị thương nhiều thường dân. Mọi người lo mua bao cát làm hầm nổi hầm chìm
trốn pháo kích. Có một lần Việt Cộng pháo kích lúc đêm, một viên đạn pháo
trúng trên nóc nhà ở phía trước nơi các kệ tủ. Giường ba má và các em ngủ
phía sau một bức tường nên không ai bị thương. Miểng đạn pháo ghim vào các tủ
đồ, vài khung kiếng bị vỡ. Ba kêu thợ tới xây đúc một căn nhà giữa với
hai tầng bê tông để cả nhà vào đấy khi có pháo kích. Đời sống người dân
bị khổ sở tang thương khắp nơi. Mỗi bước đi đứng trong âu lo, dường như
thần chết rình rập đó đây với tiếng đạn, tiếng súng gần xa. Vì cuộc sống, ba má
tôi vẫn kiên trì bám lấy thương nghiệp hằng ngày để anh em chúng tôi tiếp tục
học hành.
Năm 1957
tôi tốt nghiệp bằng tiểu học và bắt đầu lên tỉnh Trà Vinh để học. Hồi đó
chưa có trường công chỉ có trường trung bán Trần Trung Tiên. Muốn vào
trường phải qua cuộc thi tuyển. Đa số các trường còn lại là trường tư
thục. Hồi đó có các trường trung học như: Trường Thánh Gioan, Long Đức,
Nguyễn Quan Anh… Tôi có người chú bà con, chú Châu Văn Nghi con của ông Củ 7,
đang học ở trường Trung Học Long Đức, khuyên tôi vào trường nầy để học. “Mầy
chịu học trường nầy 3 năm, mầy thi lấy bằng Trung Học.” Hồi đó muốn
thi lấy bằng trung học thì phải qua bốn lớp: Đệ Thất, Đệ lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ.
Không biết trường Long Đức làm thế nào mà có vài anh mới học ba năm đã thi lấy
được bằng trung học. Điển hình người đầu tiên mà tôi biết là anh Huỳnh
Khắc Sử, sau nầy anh làm Luật sư và dân biễu thời Ngô Đình Diệm. Nghe chú
Nghi nói vậy nên tôi ghi danh vào học trường Long Đức niên học 1957-1958.
Chú Nghi cũng tốt nghiệp trung học tại trường nầy. Năm 1962 sau một
cuộc tình dang dở vì hai gia đình không đồng ý vì định kiến của hai gia đình.
Ông Củ Bảy không chịu cưới dâu gốc người miền Trung, bà Kiễm nói người
miền ngoài nói trọ trẹ khó nghe. Bên gái thì không chịu mấy đứa con trai
miền Nam. Ông nói mấy các thằng con trai miền Nam không lễ phép, ham ăn
chơi không làm được gì lo cho được gia đình…Chuyện Người miền Nam, người miền
Trung đi đến kết cuộc là gia đình ông củ cấm chú quen với gái miền Trung.
Ông bên nhà gái xởn tóc con mình và quyết cấm tới lui với chú. Buồn
đau quá, chú Tư Nghi bỏ ngang cuộc thi Tú Tài 2, chỉ còn vài môn nữa là xong
cuộc thi. Chú ngồi ôm chiếc đàn và hát bài nhạc thật buồn “Đôi Ngã Chia
Ly.” Hát xong chú đập vỡ cây đàn, mang tất cả sách vở ra đốt… Chú ngồi
khóc mùi mẫn. Tôi đứng nhìn chú thở dài và cũng rơi nước mắt theo chú.
Mấy hôm sau, chú nói với tôi chú đã đăng ký tình nguyện đi khóa 14 Sĩ
Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi ra trường chú về Trinh Sát 7 đóng ở Mỹ Tho.
Qua một thời gian dài kiên trì và tiếp tục liên lạc với nhau. Cuối
cùng chú Nghi cũng thuyết phục được 2 gia đình và cưới thiếm Tư người gốc xứ
Quảng Nam về làm vợ. Chú được thăng chức Đại Úy Tiểu Đoàn Phó một đơn vị
thuộc Sư Đoàn 9 đóng tại Trà Vinh. Chú bị tử thương trong cuộc hành quân
ở vùng Cây Bần Xà thuộc xã Long Đức với một viên đạn bắn sẻ. Lúc đó người
ta đồn chú Nghi bị giết hại vì có người muốn tranh chức với chú…? Nhưng
mọi chuyện im lìm đi qua. Chú thiếm mới có được với nhau một bé gái mới
đầy tháng. Thiếm chít khăn tang và thầm lặng ôm con ru hời, ru hỡi…!
Ông chủ
trường Long Đức hồi đó là cụ Nguyễn Văn Nhơn, học trò thường gọi vợ chồng ông
bằng Chú, Thiếm Hai. Ông dạy Pháp Văn bà dạy Anh Văn. Thầy Đức dạy toán,
thầy Phổ dạy toán, thầy Trinh dạy Việt Văn, thầy Vĩnh dạy Sử Địa, thầy Tố dạy
Pháp Văn? Khi học hết một năm lớp đệ Thất, sau ba tháng bãi trường, tôi
lên lớp đệ Lục. Hết mấy tháng hè, lúc trở lại trường thì cửa trường đóng im ỉm.
Lối xóm nói: Cháu chưa biết sao? Trường bị đóng cửa rồi. Sau
khi tìm hiểu tôi biết được trường nầy là cơ sở tổ chức của Việt Cộng. Chú
Thiếm Hai Nhơn là cán bộ gạo cội đã nhanh chân cùng gia đình chạy thoát ra mật
khu. Các thầy của trường Long Đức bị bắt về cơ quan mật vụ tra vấn. Sau
thời gian thẩm vấn hai thầy Trinh và thầy Tố bị đi tù, còn các thầy còn lại
được thả về và dồn qua trường Nguyễn Quan Anh dạy. Sau một thời gian điều
tra thầy Tố được thả ra và tiếp tục đi dạy học. Còn thầy Ninh thì không
biết ra sao? Có người đồn đoán là thầy bị bịnh và chết trong tù? Tôi lại
theo các thầy cũ vào ghi danh học tiếp với trường Nguyễn Quan Anh cho hết lớp
đệ Tứ và sau đó thi vào lớp đệ Tam Trường Bán Công Trần Trung Tiên niên học
1960-1961.
Sau năm
1975 có người gặp lại chú Hai Nhơn ở Sài Gòn, đôi mắt chú bị mờ vì hơi bom lân
tinh lúc chú còn ở mật khu. Thiếm Hai chính là bà Bùi Thị Mè, còn Bé Hai đứa
con lớn của chú thiếm đã chết lúc còn ở mật khu.
Năm 1961,
sau khi học hết lớp đệ tam trường TTT vì lớp đệ nhị không có mở lớp ban Toán.
Tôi muốn học ban Toán, nên xin ba má được lên Sài Gòn học. Đó chỉ là cái
lý để tôi xa Trà Vinh, chứ thực ra tôi muốn chạy xa nỗi buồn đang cào cấu tôi
vì mối tình đầu vừa bị tan vỡ.
Ba má rất
thương và tin tưởng tôi, cho nên khi nêu lý do như vậy ba má thuận ý. Tôi vui
và cũng hơi lo lắng vì khi lên Sài Gòn học thì chi phí phải tốn nhiều hơn ở
tỉnh. Lúc nầy ba lên xuống chợ lớn mỗi tháng hai lần. Thương vụ khá lên
nhiều. Ba nói ba có người quen ở Bình Thới để ba gởi con lên đó ở trọ và
đi học cho thuận tiện. Ba còn nói cho tôi yên tâm: “Ba lo được mà, lên
trên đó ráng học cho giỏi nghe con!” Tôi vững bụng…nhưng hơi mủi lòng vì sự
tin tưởng của ba đối với tôi. Sau mùa hè năm đó tôi lên Sài Gòn ghi danh
vào lớp Đệ Nhị ban B trường Trung Học Hưng Đạo vì nơi đây có nhiều thầy dạy có
tiếng vào thời đó như: Thầy Nguyễn văn Phú dạy toán hình học, thầy Đặng Văn
Nhân dạy toán Đại số thầy Rock Cường dạy Pháp Văn, thầy Đinh Viết Hoạt dạy Vật
Lý, thầy Phạm Huy Ngà dạy Hóa Học, Linh Mục Trần Văn Hiến Minh dạy Triết Tâm
Lý, Linh Mục Trần Đức Huynh dạy Đạo Đức Học....
Cuối năm đó
tôi đậu xong Tú Tài Một. Các bạn tôi nhiều đứa đổi sang ban A vì sợ học
Đệ Nhất Ban B khó đậu hơn và nếu bị rớt sẽ bị gọi đi lính. Chúng nó
khuyên tôi nghe lọt tai nên theo chúng nó ghi danh vào lớp đệ nhất Ban A.
Lúc nầy kỳ thi Tú Tài Hai chia làm hai đợt: Đợt 1 gồm các môn chính và
Đợt 2 cho các môn phụ tùy theo ban. Tôi đậu Đợt 1 với số điểm vừa đủ. Vì quá
coi thường tôi bị rớt đợt hai bởi môn Anh Văn. Tôi thật sự dốt đến độ bài thi
chỉ được một điểm 1/4 về môn nầy. Tôi thi lại Đợt 2. Nhưng quá trễ cho sự
chểnh mảng môn Anh Văn. Tôi lại rớt thêm một lần nữa. Mộng lên đại học
trong năm nầy với lời hứa của ba con nhỏ bạn chung lớp làm Đổng lý Bộ Giáo Dục:
“Cháu và con gái bác đậu xong bác lo cho cháu và con bác đi học nước
ngoài.” Tôi bị hỏng thi. Cô bạn học cũng rớt. Cô bạn khóc tức
tưởi. Tôi thì buồn rũ rượi và tức tối cho sự hỏng thi của mình bởi sự chểnh
mảng vài môn phụ.
Tin tức dồn
dập, chiến cuộc càng bùng phát. Giấy lệnh gọi nhập ngũ đến với vài người
bạn hỏng khóa thi như tôi vào mùa hè đó. Với lứa tuổi của tôi thì chưa tới. Tôi
mong mình sẽ cố gắng làm lại cuộc đời khoa hoạn vào năm học tới.
Mùa hè đó
cũng có cuộc thi vào trường Dược tá Quốc Gia hệ hai năm. Điều kiện thi
vào chỉ cần có bằng Trung học là được ghi danh dự thi. Tôi có một người bạn
quen ở tỉnh mới đậu trung học muốn tôi cùng ghi danh để giúp đỡ cho hắn. Tôi và
hắn ngồi gần nhau trong cuộc thi. Kết quả tôi và nó cùng đậu.
Trong
chuyến về quê, tôi báo tin cho ba má biết là tôi đã rớt Tú tài 2, nhưng đậu vào
trường nghề. Ba hơi buồn nhưng vẫn an ủi tôi: “Rớt keo nầy bày keo
khác. Thôi thì ráng thi đậu năm tới ...Má thì an ủi: “Học tài thi
mệnh...ráng cầu Trời Phật sẽ đậu vào năm tới con à…”, đồng thời má khuyên
tôi vào học trường nghề đi vì sau nầy có đi lính cũng là đi lính nghề đỡ cực
khổ. Thực sự lúc nầy tôi cũng rất phân vân trong việc có nên vào trường nghề
hay không?
Tôi trở lên
nhà trọ ở Sài Gòn. Thằng bạn cùng trọ chung nhà chìa cho tôi mảnh giấy trường
Dược Tá báo đậu và định ngày ghi danh nhập học trong hai tuần tới. Tôi viết thư
về hỏi ý kiến ba má một lần nữa. Cuối cùng tôi ghi danh vào học trường
nghề. Tôi dự định sẽ ôn bài để năm tới thi lại Tú Tài 2 trong khi đang học ở
đây. Khi đã vào trường học nghề tôi bị cuốn hút vào việc học và thực tập
nên không có thời gian ôn tập cho kỳ thi Tú Tài 2 lần tới. Nói cho đúng
hơn là lười biếng ra vì lúc nầy tôi đang ở một hoàn cảnh mới, chứ không còn gắn
liền với một chồng sách ôn thi. Cái lối học hơi có vẻ từ chương vào thời
đó làm tôi mệt nhừ, phải ngốn nhiều chi tiết trong cuốn vạn vật dầy gần đến lổ
mũi của ông Nguyễn Ngọc Đỉnh, Vật Lý của ông Đinh Công Hoạt, Hóa của ông Phạm
Huy Ngà...Cảnh nào người nấy, không còn những đêm hẹn nhau thức trắng để học
bài thi với bạn trọ cùng nhà. Bây giờ là những khoảng thời gian phóng
túng hơn với mớ bạn mới chỉ nghĩ tới ra trường kiếm việc làm, nên thư thái học
đòi ăn nhậu bê tha...Cuối cùng tôi chịu thua, mất ý chí hoàn thành ý nguyện thi
cho xong Tú Tài phần 2. Tôi lần lựa hẹn với mình sẽ...sẽ...! Rồi tới ngày
ra trường... Rồi tới ngày xách chiếc vali một mình ra phi trường quân sự, leo
lên chiếc phi cơ Caribu của Mỹ. Chiếc máy bay mang tôi ra Côn Sơn để nhận nhiệm
sở đầu tiên trong đời. Lúc nầy tôi thật sự đi ra khỏi vùng đất đang chiến
tranh.
No comments:
Post a Comment