Thursday, September 15, 2016

Chương-4




CHƯƠNG BỐN
Côn Sơn là một hải đảo nằm về phía Đông Nam miền Nam Việt Nam, cách bờ biển chừng 50 ký lô mét, được người Pháp thiết lập trại tù từ năm1861 mãi đến sau nầy Côn Sơn là vùng hải đảo thuộc chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn là nơi giam giữ những tù nhân chánh trị và thường phạm .
Côn Sơn gồm có đảo lớn là Côn Sơn và các đảo nhỏ gọi là hòn như: Hòn Cao, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Bông Lan, Hòn Trác Lớn, Trác Nhỏ, Hòn Tài Lớn, Hòn Nghé, Hòn Bà, Hòn Trọc, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ .
Côn Sơn trước đây là một đặc khu, sau đổi lại là tỉnh Côn Sơn, tuy nhiên không được đầy đủ cấp số như ở đất liển.  Các cơ quan thì có tòa tỉnh trưởng, trường Trung Học, Ty Y Tế , các phòng ban giám thị, các sở như Sở Lưới, Sở Ruộng, Sở Muối, Sở Lâm Sản đặt tại đảo lớn Côn Sơn.  Một Đại Đội Địa Phương Quân đóng ở gần phi trường Cỏ Ống.
Các trại giam chia làm 5 trại với những bức tường cao kiên cố.  Côn Sơn có di tích của một thời chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ra ngoài nầy.  Miểu Bà thứ phi Phi Yến, miếu Hoàng Tử Cải và một ngôi chùa Phật giáo trên ngọn đồi cao.  Ngoài ra còn có Hàng Dương Chi Mộ, nơi chôn các tù nhân bị chết, những xác chết được quấn trong những manh chiếu và vùi nông ở đây.  Khi có dịp tới nơi nầy tôi thấy rải rác những khúc xương lồi lên trong triền cát bụi bay.  Riêng chỉ có hai ngôi mộ của nhà ái quốc Nguyễn An Ninh và hai cận thần của ngài được trùng tu trang nghiêm trang.
Với chánh sách tự lực, tự cường Côn Sơn tự sản xuất thực phẩm để cung cấp thực phẩm tươi cho các trại và các gia đình quân cán chánh cùng gia đình họ. Tuy nhiên việc sản xuất vẫn chưa đủ theo nhu cầu.  Côn Sơn vẫn nhờ tiếp tế thêm từ đất liền mỗi tháng bằng đường tàu.  Riêng các trại giam thì có nguồn cung cấp từ nhà thầu từ đất liền đem đến trong các chuyến tàu hằng tháng đó.
Đảo tù qua 2 thời kỳ. Thời Pháp thuộc và bây giờ vẫn là những trại tù kiên cố.  Là nơi khép kín nhưng mảnh đời đau khổ, tàn tạ, nhục hình… Nơi đây có biết bao người tù bị oan ức.  Con người sao quá nhẫn tâm với nhau khi ép cung người khác.
Trước khi ra đây, tôi được vợ của một người quen ở Tạp Sơn bị án chung thân, nhờ tôi tìm kiếm dùm.  Đây là một gia đình người Tàu lai như gia đình chúng tôi. Trước đây họ sống ở Bến Thế, hình như có quen biết với những người thân trong họ của tôi ở nơi đó. Tôi gọi người nầy bằng chế (Chị) và chồng của chị là Hia (Anh) từ hồi rất lâu.
Khi ra Côn Sơn làm việc, trong các ngày đầu mới tới, tôi không dám hỏi ai.  Chắc qua chú Đấu, chồng của chế nầy đến tìm tôi.  Hia mừng rỡ khi gặp tôi và hỏi thăm về gia đình của hia.  Hia nói cho tôi biết, hia đang phục dịch bên ngoài cho một gia đình Giám Thị như chú Đấu. Tôi nhìn lên bảng gắn trên ngực trái màu đỏ.  Hia thuôc loại tù chánh trị như chú Đấu, chắc vậy nên chú và hia mới biết nhau. Ở ngoài đầy mỗi người tù có đeo một bảng màu bên ngực trái để phân biệt loại tù.  Bảng đỏ là tù chánh trị, bản vàng là về tôn giáo.  Đôi khi có hai màu vàng đỏ đó là loại tôn giáo dính tới chánh trị.  Bản xanh là thường phạm.
Hôm đó tôi trao cho hia một bức thư của vợ hia kèm theo $500.  Đọc xong bức thư, hia ngồi khóc. Tôi an ủi và hỏi hia đôi điều. Tôi nói hồi hia bị bắt tôi biết và vợ hia có kể vụ việc của hia cho tôi nghe… Hia nói: “Tôi bị oan thầy ơi…!
“Hôm đó là chuyến đi gieo nọc cho một gia đình ở ấp Leng. Trời xế chiều hia dẫn con nọc về.  Đang đi trên đường giòng về nhà thì hia nghe có nhiều tiếng súng và người chạy.  Con heo nghe tiếng súng vụt phóng chạy vuột khỏi tay giữ sợi dây.  Hia bèn chạy theo cố bắt lại sợi dây buột nó.  Súng vẫn nổ đì đùng quanh đâu đây, đạn đôi lúc bay vèo ngang mặt.  Hia vì lo cố đuổi theo con heo nên chẳng còn sợ gì hết. Cuối cùng hia giữ được nó khi ra khỏi con giòng.  Khó khăn lắm hia mới bắt được nó khi chạy ra giữa đồng.  Lúc nầy mới ra giêng, cánh đồng gặt xong còn đầy gốc rạ vàng.  Hia văng tục “Lù má mầy làm tao chạy muốn hết hơi…”
Mấy hôm sau, mới sáng sớm lính bao vây nhà hia.  Một người chỉ huy gườm súng, đạp cánh cửa cái bước vào nhà hia và hô to: "Đưa tay lên."  Hia đang ngồi uống trà trên chiếc ghế đẩu vội đứng dậy đưa hai tay lên khỏi đầu. Vợ hia đang cho heo gà ăn phía sau nhìn vào nhà sợ hãi xón nước tiểu đầy quần….Hia Xồi bị cột tréo tay dẫn ra ngoài lộ cái.  Chiếc xe nhà binh đậu sẵn ở đó chở hia về quận. Từ đó hia bị tra khảo với tội danh theo Việt Cộng, phục kích, tấn công lính dân vệ xã Tập Sơn.  Hia khóc lóc năn nỉ nói là hia không theo Việt cộng.  Họ không tin và tiếp tục đánh hia nhừ tử.  Người điều tra viên nói.  Hôm đó có một người lính lẫn trốn trong bụi tre gai thấy hia cùng du kích rượt theo bắt lính dân vệ.  Người điều tra viên gằn giọng: Anh không chối cải được, tôi có người thấy anh rượt theo lính.  Hia nói tôi rượt theo bắt lại con heo nọc của tui mà.  Nói gì thì nói, người ta vẫn không tin hia.  Bị hành hạ quá sức chịu đựng và với sự gợi ý của điều tra viên. Hia nói tôi xin nhận tội…Nói xong hia gục đầu khóc nức nở…
Ít tháng sau hia bị đưa ra toàn án quân sự. Sau khi nghị án xong, ông chánh án ban cho hia bản án 20 năm khổ sai.  Hia Xồi kêu trời ơi…và xỉu giữa toà án. Vợ hia thì khóc: Hia ơi! Là hia ơi! làm sao bây giờ? Trời ơi!....
Hia Xồi bị đày ra Côn Đảo được hơn 10 năm thì có lệnh ân xá cho những người thi hành án tốt tại đảo tù. Thật ra hia Xồi đâu phải là VC thứ thiệt.  Hia chỉ là người dân làm ăn bị họa lây thôi.  Hồi ở đảo hia bị nhốt chung với tù chánh trị.  Họ thường tổ chức học tập chánh trị lén lút với nhau. Hia nghe họ bàn luận nào là giữ vững lập trường, đấu tranh tùy theo tình thế...cách mạng sẽ toàn thắng…như vịt nghe sấm. Thấy hia xuề xòa chân chất chẳng khi nào có ý kiến tham gia nên có người mật tin cho giám thị trại.  Hia được cho ra ngoài làm tạp dịch cho ban giám thị sau hơn 5 năm bị nhốt ở trại 5.  Để kiếm thêm chút tiền xài vặt hia làm bánh bao đi bán ở ngoài chợ vì rất lâu rồi hia không được vợ hia ở đất liền gởi tiền cho hia. Hia lo lắng không biết thời cuộc trong đó như thế nào rồi và vợ con hia sống ra sao trong thời buổi chiến tranh khắp nơi ở đó.  Mặc dù không tham gia và bàn luận chánh trị với những tù chánh trị nhưng với những ngày những tháng chung chạ với tù chánh trị Hia dường như cũng để ý một chút đến vấn đề thời sự.  Hia được biết bây giờ trong đất liền rất xáo trộn về mặt chánh trị và chiến tranh bùng nổ khắp nơi càng lúc càng khốc liệt.  Đó là tin tức từ những người tù chánh trị bị kết án và mới đày ra đây.  Họ rỉ tai cho biết.  Một người dân bình thường, họ muốn có một cuộc sống bình thường, nhưng khi họ bị bức bách oan uổn và sống chung với những người có ý thức về xã hội, vô hình trung người bình thường như hia đã bị ảnh hưởng chánh trị…chắc có phần nghiêng về phía bên ngoài…?”
Năm 1966 có một chuyến tàu thăm nuôi ra Côn Sơn. Tôi có viết một bài phóng sự ngắn gởi đăng ở nhật báo Thần Chung và báo Chiến Đấu của Bộ Thông Tin do bác Nguyễn Vạn An làm chủ bút gồm có Nguyễn Vạn Cường và Kiêm Thêm làm phóng viên. Tôi làm việc với tư cách nhân dân tự nguyện trong phòng Báo Chí và Hình Ảnh thuộc nha Chương Trình và phim ảnh (Báo Chí và Ảnh Thời                                                                                                                                                  ) Sự do ông Tạ Thúc Tặng làm Giám Đốc.
Buồi sáng ngày 1-2-1966 chiếc tàu hải quân cặp bến Côn Sơn giữa tiếng súng vang dậy chào mừng, đồng thời cũng là báo hiệu cho dân đảo hay có chuyến tàu Hải quân từ đất liền mang gia đình thân nhân các tù nhân bị giam giữ ở đây được viếng thăm.  Đây là một quyết định có một không hai từ trước tới nay do Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương dưới sự lãnh đạo của Tướng Nguyễn Cao Kỳ ban hành .
Sở lưới nằm trên bờ gần bên bến cầu tàu, các can nhân xếp thành hàng hai mong ngóng. Trong gương mặt mỗi người lộ rõ niềm vui thầm lặng.  Phía cầu tàu một số binh sĩ, vợ con công chức và các giám thị trung tâm cũng đứng xếp thành hàng hai để đón thân nhân tháp tùng chuyến tàu nầy để thăm viếng, hoặc có người nghỉ phép trở lại.  Côn Sơn miền đất tù xa xôi nầy ít khi có tàu cập bến, ngoại trừ những chuyến tiếp tế.
Từ xa xa tôi thấy một chiếc tàu xuất hiện trên khoảng nước biển mù nhấp nhô bọt sóng.  Đúng 8 giờ30 sáng chiếc tàu hải quân dừng lại, bỏ neo hơi cách xa cầu tàu, vì nước triều chưa lên cao đủ để con tàu đến gần cầu. Các can phạm thuộc sở lưới phải dùng thuyền nhỏ để di chuyển người và đồ đạc vào đất liền.
Chuyến đầu tiên là các can phạm mới được chuyển ra. Sau vài chuyến đưa vào, số can phạm nầy ngồi theo hàng 10 người một hàng. Tất cả là 270. Trên mỗi nét mặt mang vẻ mệt mỏi, đượm đầy buồn rầu và ngơ ngác.
Đến 8 giờ 50 phút, tôi rời vị trí nầy và đi về hướng bãi biển có hàng dương làm một đường viền xanh ven biển, cách cầu tàu chừng hơn trăm mét về hướng Tây.  Nơi đây là số gia đình binh sĩ mới đổi ra và các thân nhân của các công chức làm việc tại đây.
Đúng 10 giờ kém 5 phút số gia đình thăm can phạm được đưa lên và chuyển thẳng đến trại tù đã được chuẩn bị giường, chiếu, mùng màn dùng làm nơi tạm nghỉ ngơi cho họ suốt thời gian thăm viếng.  Dãy nhà nằm sâu vào phía trong thị xã.  Một số người không quen đi biển đã bước không vững phải có người dìu đi. Tôi đếm được là 36 người đàn ông lẫn đàn bà.
Đại úy Nguyễn Phúc Trân phụ trách Nội An cho biết, lẽ ra số người đủ là 40 người, nhưng qua sự kiểm tra, một số cam phạm chưa thi hành tốt và chống lại các lệnh trong trại giam, nên 4 gia đình các can phạm nầy bị từ chối cho đi thăm.
12 giờ 15 phút phái đoàn y tế thuộc Ty y tế Côn Sơn đến chích thuốc khoẻ và phát thuốc cho các người bị nôn ói vì say sóng.
Đến 12 giờ trưa tất cả 36 người được tiếp đãi một buổi cơm đạm bạc ở đảo tù..
2 giờ 30 phút các gia đình nầy được đưa ra hàng dương,một bãi cát dài với những cây dương cao che bóng mát, để các can phạm xuất trại đến gặp thân nhân để hàng huyên trên các bàn ghế đã được xếp đặt sẵn tại đây. Theo lời Đại Úy Nguyễn Phúc Trân thì lẽ ra cho họ gặp nhau ở nơi dãy trại họ đang tạm nghỉ, nhưng vì nơi đó hơi chật hẹp, không tiện cho sự gặp gỡ, nên Thiếu Tá Đặc Phái Viên Hành Chánh mới ra lệnh chuyển vị trí của buổi hội ngộ về đây.
Hàng dương là một hàng cây xanh nằm dọc theo bãi biển, cát mịn vàng trải dài…gió từ biển xa thổi vào mát rượi, tiếng lá thông reo vi vu. Nơi gặp nhau và trò chuyện thật lý thú.
Tôi nhìn họ như là những cặp tình nhân hội ngộ.  Có những đôi vợ chồng trẻ sụt sùi khóc bên nhau. Có những đôi mái tóc bạc nhìn nhau, hai trái tim nhuốm màu thời gian oằn oại nứt rạn ra từng mảnh sầu da diết, như muốn nói lên một nỗi buồn muôn thuở.  Cuộc gặp gỡ, hàn huyên tâm sự này được phép cho chụp ảnh kỷ niệm. Từng cặp dìu nhau ra bãi biển và được thu vào ống kính để đời. Bước chân thời gian biết xót xa tội nghiệp nên dường như dừng lại. Trong lòng họ lúc nầy chắc rộn lên nhiều cảm xúc nhớ nhung khôn tả. Tôi không bết họ đang nghĩ gì? Tuy nhiên, theo tôi, cơ may trùng phùng lần nầy là kỷ niệm tuyệt vời nhất trong đời người mang thân phận tù nhân.  Một sự hạnh ngộ kỳ diệu mà những người sống lẩn quẩn trong bóng đêm tăm tối, bị lưu đày trong vòng lao lý, chưa bao giờ nghĩ đến.  Rằng…mình bất chợt có một ngày hạnh phúc như hôm nay, may mắn còn gặp lại người thân yêu mà bấy lâu nay mình tưởng chừng như vô vọng!
Cặp vợ chồng can phạm gặp nhau ở hàng dương.
Chiều tối họ tạm chia tay nhau. Can phạm về trại và gia đình họ đến quán dùng cơm và trở về trại để ngủ.
Sáng hôm sau 2-12-66 lúc 7 giờ 30 họ lại được gặp nhau tại hàng dương.
Đến 12 giờ kém 5 phút họ phải nói lời từ biệt nhau vì giờ thăm nuôi chấm dứt.  Người sẽ bước xuống chiếc tàu mang tên Hải Long với nỗi niềm buồn bã, kẻ lầm lũi trở lại trại tù tiếp tục thi hành bản án mà mình đã lỡ vương mang.  Họ mong ước có thêm một lần hội ngộ trong tương lai, hẹn hò cho một ngày nào đó trở về cùng sống bên nhau. Trong số nầy, tôi thấy có một cặp vợ chồng rất trẻ bịn rịn đi sau cùng.  Người vợ khóc sướt mướt, các cụ lớn tuổi đi chậm lại đến an ủi họ: Thôi cháu đừng khóc nữa làm cậu ấy đau lòng.  Cháu ra thăm, thấy cậu, chồng cháu còn khoẻ là mừng rồi.  Có lần nầy, chắc sẽ có lần khác nữa mà cháu…Người vợ trẻ lấy tay gạt lệ nhìn chồng bước đi về phía trại giam.  Chia tay trong tình cảnh nầy mấy ai ngăn được dòng lệ rơi!
Người chồng trẻ bước đi, ngang qua chỗ tôi đứng. Tôi nhận ra đây là anh Ngộ can phạm chánh trị giúp việc cho ban y tế trại 2. Tôi gọi anh và hỏi han vài điều. Anh cho tôi biết người ra thăm anh là người bạn gái mới đính hôn vài ngày thì anh bị bắt. Anh Ngộ nói: Thầy biết không…8 năm xa cách rồi đó thầy….Người vợ chưa cưới vẫn chờ đợi tôi và ra thăm tôi…vợ tôi nói ra ngoài nầy gặp được tôi rồi mai đây có chết cũng cam lòng. Tôi an ủi anh: Vợ anh chung thủy như vậy thật đáng quý. Tôi nhìn vào đôi mắt gần như đẫm lệ của anh và hỏi: Anh còn mấy năm nữa…? Anh cho biết chỉ còn hơn 11 tháng nữa sẽ được thả về. Tôi vỗ vai anh và nói: Thế thì đâu còn bao lâu…chuyến về nầy chắc phải làm đám cưới tưng bừng anh ha…Anh nói: dạ thầy, nhưng nhà tôi ở dưới quê lại nghèo…chắc chỉ làm đơn sơ thôi thầy à…
Anh lủi thủi bước đi…Tôi nhìn anh với những bước chân chùn thiểu não, như không còn nghị lực vươn lên.  Có lẽ, lòng anh buồn rầu nặng trĩu, hướng về người vợ trẻ lẻ loi bước xuống tàu. Anh quay đầu lại nhìn con tàu lần cuối.
5 giờ 20 phút, chiếc tàu Hải Quân bắt đầu nhổ neo.
Thật não nùng.
Súp lê 1 còn trông còn đợi.
Súp lê 2 còn đợi còn trông.
Súp lê 3 tàu ra biển Bắc, tay vịn song sắt mà nước mắt rưng rưng.
Chiếc tàu Hải Quân từ từ rời bến…xa…xa dần…Trên ấy, có 36 tâm hồn đang nức nở quay trở về đất liển.
36 người còn lại… chắc đang gục đầu trong bốn vách tường kín mít.  Không gian nhỏ hẹp còn ngần ngại lan tỏa một tia hy vọng trong trái tim muốn sống, còn e dè trao tặng một niềm vui đoàn tụ, cho dẫu đó chỉ là ngọn đèn leo lét giữa muôn trùng tăm tối.
Một cuộc hội ngộ hiếm hoi trong lịch sử của đảo tù.
Hải đảo lại trở về với cái trầm lặng cố hữu có từ bao giờ.  Ngoài xa, từng lớp sóng chập chùng lăn trườn, đánh tạt vào bờ đá làm tung tóe những bọt biển li ti trắng xóa …Tôi đắng lòng ví von!  Đó có phải là những giọt nước mắt hoen mi, đang vỡ òa khóc thương cho người thân yêu của mình còn ở lại chăng?  Giọt lệ buồn bã cứ an nhiên lăn dài trên đôi má xanh xao, trào dâng từ các ánh mắt nhạt nhòa đang dần xa cách nghìn trùng, từ ngoài khơi xa tít mịt mù như vẫn còn luyến tiếc giây phút bên nhau.  Triệu triệu giọt nước mắt đại dương cứ đùa tràn vào bãi biển buồn thiu, mà khoảnh khắc ngắn ngủi trước đây, vô tình là chứng tích cho một lần bịn rịn chia tay trong nghẹn ngào se thắt tâm can chăng…???
Tôi chợt nhớ…Không thấy vợ hia Xồi ra thăm, chắc chế Xồi không biết hoặc không đủ sức xoay trở để cùng tháp tùng theo chuyến ra thăm viếng nầy.  Riêng chú Hai Đấu thì cũng không thấy ai ra thăm. Tôi chợt nhớ thêm: “Chắc chú Đấu cũng vậy, chú không còn ai thân thích để ra thăm nữa…???


No comments:

Post a Comment