Thursday, September 15, 2016

Chương-6



CHƯƠNG 6


Sau Tết Mậu Thân năm 1968.  Suốt hơn 6 tháng đơn vị tôi di động không ngừng. Những cuộc hành truy tìm địch, những trận đánh thần tốc, những thoát hiểm cái chết trong gang tấc, tôi không còn thời gian để nhớ gia đình.
Qua thời gian biến động, ba tiếp tục những chuyến buôn bán đi về. Chuyến đi đầu tiên ba ghé hậu cứ Đại Đội tại Tân Hiệp để thăm tôi.  Khi gặp tôi ba ôm chầm lấy tôi như lúc tôi còn bé. Tôi vẫn còn lành lặng sau biến cố hãi hùng. Tôi xúc động hỏi ba về mọi người trong nhà.  Ba cho hay mọi người vẫn bình yên, công việc buôn bán trở lại bình thường. Trong dịp nầy ba cho tôi biết đứa em kế tôi sẽ nhập ngũ vào Khóa 2/68.  Đứa em kế nữa vừa chuyển lên Bảo Lộc học tiếp ngành Thủy Lâm.  Các em còn lại vẫn còn đi học ở Trà Cú và Trà Vinh. Tôi an tâm chia tay ba sau chỉ hơn một tiếng gặp ba ở hậu cứ.  Ba phải đón xe về lại quê để cùng má lo phân phối vải vóc cho các nơi.  Ba bắt tay tôi: “Ráng giữ gìn sức khoẻ và cầu trời Phật cho tai qua nạn khỏi.”  Lời nhắn gởi lúc nầy của ba làm tôi nhớ lời kinh cầu của má trong mọi lúc hiểm nguy. “Con sẽ nhớ ba ơi!” Tôi không dám nói với ba những lằn đạn vèo ngang mặt, những tiếng nổ vỡ loang bất chợt, những người lính cùng đơn vị tan xác trước mắt.  Những xác Việt Cộng nam nữ còn rất non trẻ nằm chết cong queo trong các hầm hố.  Chiến tranh loài ma quái ghê rợn và thảm thương.!

Khi đứa em kế tôi nhập ngũ Khoá 2/68 Thủ Đức thì thằng em kế nó, đứa thứ Tư rớt năm cuối ra trường ngành Thủy Lâm, đáng lẽ không ai phải bị rớt trong các trường học ngành chuyên môn, nhưng với tính lãng tử ham ca nhạc, cứ đeo đẳng ca hát không lo học, nên bị đánh rơi.  Sau đó có lịnh gọi nhập ngũ tiếp.  Ba má không muốn em đi Khóa Trung Sĩ. Tôi lo cho em về lại quê nhà. Ba má chạy vại cho em vào chân lính văn phòng tại Quận để ba má đỡ lo và có thêm người giúp ba má công việc buôn bán.

Đến năm 1970, tôi được chuyển về ngành Quân Y qua đơn khiếu nại từ năm 1969 vì có bằng chuyên môn ngành Dược.  Sau thời gian ở Cục Quân Y, tôi được thuyên chuyển về Bệnh Viện Tiểu Khu Bạc Liêu. Thằng em ra trường được đổi về Trung Đội Truyền Tin ở Vĩnh Long.  Đứa em gái thứ Năm vừa đậu xong Tú Tài 2 chuẩn bị vào Đại Học Cần Thơ.  Các đứa em còn lại tiếp vào Trung Học. Tôi biết các em rất chuyên tâm học hành. Tôi cám ơn Trời Phật: “Gia đình tôi vẫn an bình trong mọi sinh hoạt.”

Sau mùa hè đỏ lửa năm 72, đứa em thứ Sáu vừa đậu Tú Tài 1 với hạng Bình Thứ bị sắc lệnh động viên mới phải trình diện đi Thủ Đức nay mai.  Ba tôi vốn lo xa đã làm hai cái giấy khai sinh mới để phòng khi cần.  Ba dùng cho đứa em trai thứ sáu và đứa em trai thứ 8.  Ba không muốn các em tôi đi lính nữa.  Hai anh em tôi vào quân ngũ đã là nỗi lo cho ba má, là nỗi ám ảnh về một cái chết bất ngờ nào đó trong lằn tên mũi đạn ở chiến trường. Tôi nhờ người bạn thân là Cảnh Sát Tư Pháp ở Cà Mau làm lại thể căn cước và mọi thứ giấy tờ khác cho đứa em thứ Sáu để tiếp tục học lại lớp đệ tam và thi lại tú tài hai sau đó.  Lúc nầy đứa em gái thứ Năm đã vào Đại Học ở Cần Thơ.

Chiến tranh vẫn tiếp diễn với sự khủng khiếp và chết chóc đến toàn cõi miền Nam.  Hiệp định Paris..!  Hội Nghị nầy đương nhiên công nhận Phong Trào Giải Phóng Miền Nam như một thực thể.  Rồi bao biến động khác kế tiếp gây bất lợi cho Chánh Quyền Miền Nam.  Chính phủ Mỹ với phong trào phản chiến rầm rộ cộng với áp lực quốc hội Mỹ đòi Mỹ phải rút quân. Thật ra Mỹ bắt tay Trung Cộng, một đối tác kinh tế với hơn một tỷ dân, thị trường béo bổ cho tư bản khai thác lợi lộc.  Họ muốn rút chân khỏi miền Nam. Họ cắt viện trợ và từ từ rút quân về nước.  Ở cái thế bất lợi, Tổng Thống Thiệu ban lệnh rút lui bỏ một phần của miền Trung, cố thủ phần đất còn lại để chờ xoay trở thời cuộc.  Có người cho rằng ông Thiệu thử thấu cấy Mỹ.  Nhưng với lệnh rút quân vội vã thiếu chuẩn bị, đã đưa miền Nam sụp đổ sớm hơn dự tính của đối phương.  Cuộc di tản miền Trung, con đường đẫm máu, Liên Tỉnh Lộ 7B đã là mồ chôn của hằng vạn dân quân trong cuộc rút lui hỗn độn, thảm khốc!  Rồi Buôn Mê Thuột thất thủ. Xe tăng Cộng Quân tiến về Sài Gòn. Tổng Thống Thiệu ra đi. Tổng Thống cuối cùng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Một ngã rẽ cho cả nước đi vào quĩ đạo kèm kẹp của bạo quyền Cộng Sản từ đây!!!

Với cương vị là Sĩ Quan Quản Lý kiêm Sĩ Quan An Ninh Bệnh Viện. Vào những ngày chiến cuộc các tỉnh miền Trung dần dà đi đến khúc quanh quyết liệt.  Hoa Kỳ ngưng viện trợ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ miền Trung với ý đồ co cụm lực lượng lại để cố giữ miền Nam trong chiều hướng ngân sách không còn đủ, súng đạn không còn nhiều cho một vùng đất trải rộng quân.  Có người cho rằng ông Thiệu giận Mỹ và rút quân như một thấu cáy?  Cho dù do đâu, nhưng với sự rút quân nầy đã đưa miền Nam đến sự sụp đổ sớm hơn như những dự tính của Cộng Quân!
Suốt một tuần qua, Y Sĩ Thiếu Tá Trịnh văn Tạo đem cái radio nhỏ đặt trên bàn làm việc để theo dõi tin tức chiến sự.  Hết giờ làm việc nhưng ông vẫn ngồi nán trong phòng và ra về với gương mặt buồn buồn. Thật sự lúc đó tôi cũng nghe nhiều tin tức xấu, nhưng tôi vẫn tin tưởng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa còn đủ sức giữ vững trận thế.

Trước đó hơn tháng, vào đầu tháng ba, tôi được Tiểu Khu mời sang đó để dự một buổi họp. Trong buổi hợp nầy Trung Tá Quách Hiển tham mưu trưởng Tiểu Khu trình bày với Đại Tá Tiểu Khu Trưởng Huỳnh Ngọc Điệp tình hình chiến sự và kế hoạch phòng thủ trong điều kiện Cộng Quân có thể bám sát và tấn công vào Tiểu Khu trong những ngày sắp tới.  Kế hoạch đưa ra là đào các công sự trên các nẻo đường, đưa lính lên các cao điểm phòng ngự. Tôi thấy tình hình rất gay go rồi! Trong phần hỏi đáp các đơn vị cử người tới họp. Tôi đưa ra vấn đề với Đại Tá Điệp như thế nầy: Trong vị trí bộ chỉ huy Tiểu Khu đóng gần Bệnh Viện chỉ cách một xóm nhà và một con đường nhỏ.  Phía bên trái bệnh viện là hậu cứ Đại Đội trinh sát 21, chỉ được phòng ngự với số quân bất khiển dụng.  Phía sau bệnh viện là con sông lớn. Trong chiến thuật thì địch khó tấn công hoặc không tấn công qua sông.  Nhưng nếu Việt Cộng xử dụng yếu tố bất ngờ qua sông chiếm bệnh viện và làm bàn đạp tấn công bộ chỉ huy Tiểu Khu thì khó trở tay.  Chúng ta không thể cho máy bay oanh tạc hoặc bắn trực xạ pháo binh vào bệnh viện vì cả mấy trăm thương binh và bịnh nhân đang nằm điều trị, chưa kể các nhân viên ở trong các khu nhà ở trong bệnh viện. Tôi trình xin Tiểu Khu Trưởng cho một toán quân đóng trên cao điểm của bệnh viện và luôn túc trực một toán quân gần mặt sông, cho đèn sáng tỏa vùng phía sau bệnh viện.  Sự trình bày của tôi được Đại Tá Điệp chấp thuận và Trung Tá Tham Mưu Trưởng lên kế hoạch.

Vào những ngày cận tháng Tư tin tức xấu dồn dập, Việt Cộng chiếm Đà Nẵng…cuộc di tản bị Cộng Quân chận đánh ở sông Ba, đường di tản đẫm máu trên đường rút quân và trở nên hết sức hỗn loạn…Buôn Mê Thuộc thất thủ. Xe tăng Việt Cộng trên đường tiến về Sàigòn.  Phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích.  Máy bay di tản các em mồ côi bị bắn rớt làm cả mấy trăm em bị chết và bị thương.Tổng Thống Thiệu tuyên bố từ chức trao quyền cho cụ Hương.  Kế đến Đại Tướng Dương văn Minh lên thay trước sự nghẹn ngào của cụ Trần Văn Hương “Sài gòn máu sẽ thành sông…”

Sáng ngày 30 tháng Tư, như thường lệ tôi cùng mấy người bạn ăn sáng trong Câu Lạc Bộ của bệnh viện nằm trước văn phòng làm việc của tôi.  Khi bước vào phòng để xem các văn thư và trình ký, Y Sĩ Thiếu Tá Tạo đã có mặt bên trong với những điệu nhạc hùng ca phát ra từ chiếc máy radio như những cuộc đảo chánh trước đây. Tôi giật mình với cái cảm giác lo âu và thầm nghĩ chắc có chuyện gì nguy kịch xảy ra? Tôi ngước mặt nhìn vào thấy vị Y Sĩ Trưởng của tôi đầu cúi xuống buồn bã.  Khi ông ngước lên thấy tôi ông nói: “Chắc không xong rồi anh…!”Tôi buồn buồn đi vào và nói đôi điều với ông.

Đúng 11 giờ sáng cái máy radio bỗng phát lên lời kêu gọi của Tổng Thống Dương Văn Minh “Tất cả quân binh chủng ở yên vị trí chờ phía bên kia vào để bàn giao…”. Gương mặt ông tái đi với hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má. Tôi đứng như trời trng. Tôi không thể ngờ có giây phút nầy. Tôi tự hỏi trong đầu …do đâu…? do đâu…? Vị Y Sĩ Thiếu Tá khả kính nói với tôi: “Nếu bà cụ của tôi còn sống không biết bà ấy chạy đi đâu. Năm 54 bà chạy chúng nó vào Nam, bây giờ chúng lại rượt đuổi đến đây...chắc chỉ còn cách ra biển mà chết”. Tôi nhìn trên ngực áo ông còn dấu tang cho bà cụ.  Ông lắc lắc cái đầu có vài vệt tóc trắng bay bay, rồi nói: “Anh tập họp đơn vị lại và nói với họ, ai muốn ở lại làm việc thì bỏ quân phục, mặc áo trắng, còn ai muốn về nhà với vợ con thì về”. Tôi cắn môi tươm máu. Tôi hỏi ông một câu ngớ ngẩn: “Mình thua thật sự hở Thiếu Tá?” Ông nói: “Thua rồi anh!”  Tôi thật sự không bao giờ tin điều nầy! Tôi nặng nề bước ra ngoài và nói với Thượng Sĩ Thường Vụ đánh kẻng tập họp lính. Ba hồi kẻng vang lên…ba hồi chuông báo tử!? Các binh sĩ với nón sắt súng đạn đầy đủ chạy vội đứng hàng ngang trước sân.  Họ vẫn còn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.  Mới hôm qua tôi còn nói với họ chúng ta phải chiến đấu!  Bây giờ…! Thượng Sĩ Thường Vụ hô nghiêm. Tất cả hơn ba mươi binh sĩ trong bệnh viện đang chờ tôi ra lệnh. Trời ơi! Tan hàng trong đau nhục! Tôi ra đứng trước hàng quân. Tôi nhìn một lượt các ánh mắt của các thuộc hạ. Tôi nghẹn ngào nói: Các anh, Tổng Thống đã ra lệnh đầu hàng, tôi nhận lệnh Thiếu Tá Y Sĩ Trưởng nói với các anh từ giờ nầy ai muốn ở lại đơn vị thì thay áo trắng và tiếp tục làm việc ở các trại mà các anh phụ trách, ai muốn về với gia đình thì về…!  Một phút…hai phút ...hàng quân đứng yên. Thượng Sĩ Thường Vụ nhìn tôi và quay sang nhìn anh em hô: “Tan hàng! Hàng quân đứng yên! Tôi không còn nghe anh em hô “Cố Gắng” như dạo nào! Tôi đưa tay chào họ lần cuối. Tất cả im lặng rời hàng.  Có vài tiếng văng tục. Trời buổi sáng mây mù ảm đạm!
Tôi quay vào phòng việc. Điện thoại reo vang. Tôi cầm ống nghe lên. Tiếng ông Trung Tá Tham Mưu Trưởng: “Đ/U.L. đó hả? Anh cho binh sĩ bố trí sẵn sàng tác chiến”. Tôi ngần ngừ một giây và nhìn Thiếu Tá Y Sĩ Trưởng ngầm hỏi ý kiến. Ông lắc đầu. Tôi nói: “Dạ sẵn sàng thưa Trung Tá!?”

Tôi ra đứng trước cửa phòng nhìn ra ngoài khoảng sân trống, một chiếc xe Cảnh Sát Dã Chiến chạy ngang với quân phục, súng đạn trong tư thế có vẻ cấp bách.  Khi xe vòng ra, tôi nhìn họ.  Có người nào đó trên xe đưa tay chào tôi. Tôi đứng lặng yên nhìn chiếc xe chạy xa ra ngoài cổng bệnh viện, để lại một chút khói mù!

Trưa hôm đó tôi mặc chiếc áo trắng trở lại văn phòng làm việc. Vợ tôi lo lắng: “Làm sao bây giờ anh, họ vô rồi làm sao? Tôi thẫn thờ nói với vợ tôi: “Biết làm sao bây giờ? Anh cũng chưa biết phải làm sao?!” Trước đó mấy ngày một anh bạn Thiếu Tá Trưởng Phòng Hai Tiểu Khu chạy chiếc Honda vào bệnh viện rủ tôi cùng đi Rạch Giá ra tàu đi trốn. Anh nói mình sắp thua rồi phải đi thôi.  Lúc đó tôi chưa thật sự tin điều đó, vả lại tôi còn hai đứa con nhỏ, bỏ đi đâu đành. Tôi từ chối. Anh chạy xe đi với một người bạn khác ngồi ở phía sau.  Cho tới nay tôi chưa lần nào biết tin về anh bạn đó.

Đang đứng tần ngần, có một cô bé mà tôi biết cô hồi mấy năm cô còn học Trung Học và lúc đó tôi chưa lập gia đình.  Cô thắng chiếc xe Honda trước mặt tôi và hỏi: “Anh đầu hàng rồi phải không?”. Tôi ngượng mặt.  Cô bé nói: “Em thử sống với bọn nầy vài bữa rồi tự sát với vài đứa nó.” Tôi không ngờ một cô bé ham đua đòi, ham chơi ngày xưa lại nói được câu đó.  Hồi đó tôi xem thường cô bé nầy.  Bây giờ tôi thấy tôi không bằng cô ấy. Tôi tự khinh tôi!  Em Tuyết ơi! Tôi không bằng em. Tôi không biết em có làm việc ấy không?  Nhưng với lời nói bất khuất của em lúc đó làm tôi hổ thẹn vô cùng!

Trưa hôm sau ngày 1 tháng 5, Y Sĩ Thiếu Tá Trịnh-Văn-Tạo với bộ đồ dân sự lên văn phòng B/S Nguyễn-Tú-Vinh, Giám Đốc bệnh viện để họp.  Ông nói với tôi đi Cầu Sập rước Ban Chỉ Huy của phía bên kia về bàn giao.  Cờ “Mặt Trận Giải Phóng” phất phới thay lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa, những người “Mới” với gương mặt non chẹt mang khẩu súng chúi đầu tới nền đường, vài ba tên đeo lủng lẳng trái lựu đạn.  Khoảng mươi tên lởn vởn trong Bệnh Viện. Tôi ngỡ ngàng, bứt rứt: “Mình thua mấy cái thằng ngố nầy thiệt tức!?”

Cởi chiếc áo bao năm ta làm lính
Ôi! bất ngờ như một giấc chiêm bao
Nghe hơi thở bung trong lòng ngực nhói
Như ta rơi vào vực thẳm âm sâu
Ôi hồi đó ta mơ ngày thôi lính
Cởi áo ra về cuộc sống bình yên
Sống cuộc sống mơ màng không chiến trận
Ôm tình yêu lăn giữa nắng mênh mông
Giờ cởi áo bởi vì ta thua trận
Khắp thân ôi nhỉ máu vết thương bầm
Không dấu đạn mà cơ hồ rũ riệt
Khúc quân hành kết thúc nốt hờn căm
Con chiến mã hí vang rền miên viễn
Thôi từ đây sông núi khuất bờm bay
Dấu chân hùng giờ ngàn năm tuyệt tích
Yên cương buồn thôi rũ bóng chiều nay
Bọn ta đó giờ quây quần thúc thủ
Trại giam buồn, chật ních giọt mồ hôi
Miếng rưỡi gạch ngủ nghiêng mình u uất
Ngược đầu nhau nên đêm chẳng qua mau
Hồn trăn trở những điều không nghĩ được
Mới hôm qua còn phất phớt cờ bay
Cả đoàn quân còn dũng tiến hăng say
Nay chung cuộc qui hàng buông tay súng
Cởi áo lính giờ nằm trong ngục tối
Bọn ta ơi ! hào khí rũ cờ bay
Lịch sử đã sang trang sao buồn thế !
Thôi hết rồi sông núi tủi ngàn sau!

No comments:

Post a Comment