CHƯƠNG 7
Sau ngày 30 tháng tư năm
1975...vào tháng 5 chúng tôi bàn giao mọi sổ sách và cách thức điều hành bệnh
viện trong mọi lãnh vực cho các cán bộ “Cách Mạng.” Mọi việc bàn giao đã hoàn
tất, một buổi họp được diễn ra trong khuôn viên bệnh viện. Anh Bảy, bác sĩ Giám
Đốc Bệnh Viện của ban lãnh đạo mới tuyên bố: “Từ nay chúng tôi coi các anh trong hàng ngũ làm việc cho chánh quyền cũ
như là những nhân viên cán bộ “Cách Mạng.” Các anh
sẽ được hưởng mọi tiêu chuẩn và lương bổng như chúng tôi từ đây”. Chúng tôi
nhìn nhau mỉm cười với mong ước điều đó đến với chúng tôi thực sự. Bên ngoài có tin Ủy Ban Quân Quản ra thông
cáo là tất cả sĩ quan đều phải trình diện để tập trung học cải tạo trong 10
ngày. Tất cả anh em sĩ quan bên ngoài đã trình diện và đã bị gom về nhốt ở khám
lớn. Chúng tôi giờ nầy còn bên ngoài và
được hứa như vậy kể ra thì cũng may hơn anh em ngoài kia.
Từ đó, giữa giờ làm việc, mọi người ra ngoài tập thể dục 15 phút. Các giờ lao động Xã Hội Chủ Nghĩa được phát động. Tôi với tay cuốc
phải cuốc những luống đất trong các bãi đất trống trong bệnh viện để trồng
khoai, sắn, rau cải. Các hạ sĩ quan binh
lính ngày trước được cho làm các toán trưởng lao động. Có vài người trong đám lính bỗng lên mặt, học
đòi theo phường… nói chánh sách nầy, chánh sách kia. Oan trái cuộc đổi đời!
Sau khi bàn giao mọi phần hành của tôi và được phân phối về làm việc ở
phòng thuốc của bệnh viện. Với lời hứa của bác sĩ Bảy là người đứng đầu ban
lãnh đạo mới của bệnh viện. Tôi an tâm về một tương lai chắc cũng không đến đổi
gì.Tôi nôn nóng muốn biết tin tức gia đình ra sao sau cơn chuyển động lớn nầy.
Tôi đánh bạo đến xin bác sĩ Bảy. Anh đồng ý và ký lệnh giấy phép cho tôi 5
ngày về thăm gia đình và sau đó trở lại làm việc.
Cầm được tờ giấy phép của bác Sĩ Bảy, tôi ra bến xe mua vé về quê. Đường phố Bạc Liêu xem ra cũng hoạt động cũng
bình thường. Chỉ khác một điều là có nhiều chốt kiểm soát của các thanh niên đeo băng
đỏ trên cánh tay làm phận sự chỉ dẫn lưu thông, trật tự và các bộ đội non choẹt ăn mặc với
những bộ đồ hỗn tạp đi
ngơ ngác trên các đường phố với lựu đạn đeo ngang hông hoặc với khẩu A.k trút ngược đầu
gần chấm đất. Các loa phóng thanh gắn ở
các ngả tư đường rỉ rả các bản nhạc “Giải phóng.” Một kịch bản trớ
trêu đầy uất hận với cái màn hiện thực phơi bày trước mắt làm tôi buồn… buồn!
Ngoài bến xe rất đông đảo các binh lính từ các đơn vị, cũng như ở trại huấn
luyện tân binh của tỉnh đứng chờ xe để di chuyển trở về quê. Những tân binh với cái đầu tóc ngắn đi từng
nhóm nói cười rộn rã, những binh lính ở các đơn vị với những gương mặt buồn
bực, thiểu não với bước đi như còn luyến nhớ một
điều gì. Trang phục
của họ là chiếc áo thường dân, nhưng bên dưới còn cái quần nhà binh bạc màu
phèn đất. Tất cả họ cũng như tôi đang trở về quê cũ…
Xe bắt đầu ra khỏi bến. Trên con đường từ Bạc Liêu về Sóc Trăng, các xe nhà
binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bây giờ chở các bộ đội nón cối nối
dài. Dọc đường tôi thấy súng đạn, quần
áo của binh lính rã ngũ vứt bừa bên vệ đường ... Khoảng đường từ Bạc Liêu lên
Cần Thơ có nhiều điểm chốt kiểm soát làm lưu thông bị tắc nghẽn, đoàn xe nối
dài mút mắt. Tôi ngao ngán thở dài…lịch
sử đã sang trang, cuộc thay đổi nầy sẽ đưa tôi về đâu? Tôi cảm thấy lo âu về
một tương lai đầy bấp bênh và vô định.
Cuối cùng tôi cũng về tới Trà Vinh và ghé thăm các em tôi đang ở trong căn
nhà thuộc Phường 6 Tri Tân. Căn nhà ba
má tôi mua chỉ để các em tôi ăn ở học hành.
Các em tôi vẫn còn đi học sau vài ngày trường đóng cửa. Hôm sau tôi về Trà Cú. Cửa hàng nhà tôi cũng là căn nhà ở của ba má
tôi vẫn còn buôn bán như cũ. Thấy tôi về ba má tôi vô cùng mừng rỡ. Tôi cũng chan hòa vui sướng vì
thấy gia đình mình vẫn còn sinh hoạt bình thường.
Trong buổi cơm ngày hôm sau kể từ ngày tôi về. Ba má tôi hỏi:
- Con định về đây ở luôn hả con? Tôi lắc đầu…
- Con xin phép ban Giám Đốc mới về được 5 ngày, sau đó trở qua đó làm việc
lại với cái nghề cũ của con ở kho thuốc.
Ba nhìn tôi :
- Ở đây người ta bắt sĩ quan như con đi học tập. Con chú Tám cũng cấp bậc như con làm việc ở
tỉnh đã bị nhốt trong khám lớn, chờ đi học tập.
Tôi nói với ba:
- Ông “Giám Đốc Cách Mạng” nói tụi con công tác trước đây thuộc diện chuyên
môn, ông can thiệp với bên trên để các sĩ quan Quân Y làm việc lại như các công
nhân viên “Cách Mạng”.
Má nhìn tôi rồi nói:
- Nếu được như vậy thì tốt, còn không… con về đây má nói với dì Ba có
chồng…đang làm chủ tịch Ủy Ban Quân Quản làm giấy bão lảnh cho con khỏi đi học
tập. Anh Năm T…làm Cảnh sát được dượng ấy can thiệp nên làm việc lại ở bên Công
An…
Tôi nhìn má, rồi nói:
Không sao đâu má, bên đó hứa cho con làm việc lại…Mà có bề gì đi nữa thì
con cũng phải chịu thôi…ai sao con vậy…Nhờ vả … con không muốn...Tôi nói với ba
má tôi với giọng cả quyết, nên ba má tôi không còn cản ngăn…
-
Hết 5 ngày phép, tôi lấy vé xe về lại Bạc Liêu. Tôi tiếp tục làm công việc
ở phòng dược phẩm của bệnh viện với hai ba anh dược sĩ. Các anh ấy trước đó ở khoa chuyên môn, còn
tôi ở bên hành chánh, cấp bậc nhà binh thì ngang nhau. Bây giờ các anh ấy là Dược Sĩ còn tôi chỉ là
nhân viên dân sự làm việc ở phòng dược phẩm dưới cấp hơn các anh ấy, tuy nhiên
chúng tôi vẫn thấy không có điều gì trở ngại.
Chúng tôi cố gắng thích nghi với lề lối làm việc mới: Hội họp, kiểm
điểm, tự phê và phê bình …có khi giữa ngày mọi người bỏ việc ra ngoài, cầm
cuốc, cầm dao để phát cỏ dại hay vun liếp đất trồng rau, trồng cải ở các khoảng
đất trống trong bệnh viện….họ gọi là lao
động xã hội chũ nghĩa…!
Sau gần 20 ngày làm việc, chúng tôi được phát lương. Sau ngày lãnh lương anh Bảy mời các anh em sĩ quan lên văn phòng họp
riêng. Anh khen ngợi chúng tôi lao động
tốt trong nghiệp vụ và các sinh hoạt khác đều rất đạt yêu cầu. Anh ngưng
một chút và lấy từ trong túi áo ra một điếu thuốc, mồi lửa hút. Anh nhả một hơi
khói và nhìn chúng tôi. Anh nói: “Tôi
muốn giữ các anh lại làm việc…nhưng bên trên không đồng ý….Vì chánh sách chung,
tôi mong các anh hiểu cho tôi…Qua buổi họp nầy, các anh về lo sữa soạn quần áo,
đi học tập chánh sách nhà nước trong 10 ngày.
Sau đó các anh sẽ trở về làm việc lại như cũ.”
Chúng tôi nhìn nhau im lặng. Anh Bảy bắt tay chúng tôi và nói: “Chúc các anh vui vẻ và thành công trong mấy
tuần học tập. Các anh cần học tập để
biết rõ hơn chánh sách của nhà nước cách mạng… hẹn gặp lại các anh. Chúng
tôi gồm các anh bên chuyên môn như Nha, Dược, Bác Sĩ, bên hành Quân Y thì các
anh sĩ quan khác đã về quê, còn lại chỉ một mình tôi. Chúng tôi cùng bước ra khỏi phòng họp với
nhiều nỗi lo âu và buồn bã…
Chúng tôi gồm một vị là bác sĩ Giám Đốc nguyên cấp bậc Thiếu Tá giải ngũ
rất lâu và một Y Sĩ Thiếu tá Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Tiểu Khu, 6 sĩ quan cấp Đại
Úy Quân Y như D/S Khưu Hoàng Hưng, D/S Lâm Khả Đạt, N/S Hồ Văn Lành, B/S giải
ngũ Huỳnh Sanh Nhật, B/S Nguyễn Hữu Thành và tôi bị đưa vào trại giam tỉnh,
riêng D/S Đại Úy Trang Trịnh Trọng nghe đâu có bà con gì đó làm rất lớn bảo trợ
nên không phải đi học tập. Hai vị Bác Sĩ
bị đưa vào phòng nhốt các sĩ quan từ cấp Thiếu Tá trở lên, đó là Bác Sĩ Nguyễn
Tú Vinh và Y Sĩ Thiếu Tá Trịnh Văn Tạo, có cả các vị như Đại Tá Tỉnh Trưởng
Huỳnh Ngọc Điệp cùng các Trung Tá, Thiếu Tá làm việc trong Tiểu Khu Bạc Liêu
cũng bị nhốt chung ở đây. Chúng tôi gồm
6 người bị chỉ định mỗi 2 người vào một phòng khác nhau.
Cánh cửa nhà tù đóng sầm lại. Số
phận cuộc đời chúng tôi kéo dài với cái chánh sách lừa mị, trở tráo theo từng
ngày, từng tháng trôi qua như vô định.
Cái giáo đầu: “Các anh tham gia Ngụy Quân, Ngụy Quyền chống phá “Cách Mạng,”
tội các anh là tội trời không dung, đất
không tha, là tội chết! lẽ ra các anh bị đền tội trước Cách Mạng và Nhân Dân,
nhưng để thực hiện chánh sách khoan hồng, các anh được tập trung cải tạo để
hiểu rõ chánh sách của đảng và Nhà Nước.
Sau nầy, khi các anh học tập tốt, trở về với gia đình, sẽ thành người
tốt để phục vụ cho đất nước.” Mọi
người tuần tự trình diện với lời hứa hẹn học tập trong 10 ngày rồi về. Có người tin, có người nghi ngại, nhưng không
còn cách chọn lựa nào khác. Phải
đành!... Cánh cửa tù đóng sầm lại!... Ngơ ngác!... Sầu hận!...Thúc thủ!... Cam
lòng!.
Căn phòng bề ngang chừng 4 mét bề sâu chừng 10 mét nhét hơn 40 tù nhân. Lúc
đứng bên ngoài chờ “anh đội” mở cánh cửa sắt. Tôi nhìn vào bên trong thấy mọi
người nằm quay đầu về phía tường hai chân đối nhau, khoảng giữa còn lại vài ba
tấc, có người ngồi với tấm thân trần hoặc dựa lưng vào tường mắt nhìn lên trần
nhà buồn bã. Có người đứng nhìn ra ngoài
chờ tôi vào. Khi cánh cửa đóng sầm lại tôi thấy mình như bị quay vòng vòng với
nhiều bất nhẫn, đau đớn. Các bạn bạn tù
vây quanh hỏi:
- Ê! Bạn bên ngoài có nghe gì không ông? chừng nào học không?…Mấy người làm
ở bệnh viện vô chắc lớp học sắp bắt đầu?.....Tôi bị hụt hẫng và trả lời:
-Tôi chỉ nghe nói vào đây tập trung học 10 ngày rồi được về! Tụi nầy xin
một ít thuốc phòng thân, nhưng ban chỉ huy bệnh viện nói cho thuốc 10 ngày
thôi. Họ nói: “Các anh đâu có đi lâu mà xin nhiều!” Nghe tôi nói như vậy các bạn tù ai cũng lộ vẻ
vui mừng…họ cũng nghe như vậy trước khi vào đây. Họ ở trong nầy hơn 20 ngày rồi! Có anh ngao
ngán nói: “Hai mươi mấy ngày rồi có thấy
gì đâu mấy cha!?”
Trong căn phòng chật chội, nực nồng hơi người. Người nằm, ngồi hai hàng đối
đầu trên các manh chiếu nối nhau cho tới cuối phòng là cái thùng phuy dùng để
tiểu tiện. Cái nắp đậy hở hang, làm mùi
hôi thúi bốc lên nồng nặc. Có lẽ tôi là người sau chót vào phòng nầy. Tôi được
“Trưởng Phòng” chỉ cho cái chỗ nằm sát cái thùng phuy. Suốt mấy đêm lúc mới vào, tôi phải thức đến
khuya chờ mọi người đái, ỉa xong rồi mới lao chùi nền xi măng và kéo chiếu ra
nằm. Nhưng chỉ mơ mơ màng màng đôi chút
thì có người bò tới tiểu tiện. Mặc dù họ
cố rón rén bò và mở nắp nhẹ nhàng. Nhưng
…cái mùi hôi thúi từ cái thùng mở ra bốc lên, tràn vào mũi. Tôi ho sặc sụa và
muốn nôn mửa ra. Tôi cố ém lại, nhưng thật sự chắc tôi cũng chẳng mửa ra được
cái gì, bởi trong bụng không còn gì để ói ra.
Buổi ăn từ 11 giờ sáng đến giờ đã không còn! Cơn đau bụng quặn thắt. Tôi ứa nước mắt…!!!
Chỉ một bữa ăn duy nhất! mọi người chẳng
riêng gì tôi đều bị cơn đói làm phờ người, lăn trở trong cơn quặn đau vì đói.
Mỗi ngày mỗi người chỉ được phát một lon nước cho tắm gội và một lon nước
nóng để uống. Ban đầu mọi người không
biết phải làm sao đủ cho cái lon nước tắm gội.
Dần dà cũng tìm ra cách. Dùng
miếng vải ny lon
trải ra, lấy mấy chiếc dép ngăn nước chảy ra ngoài và dùng khăn nhỏ thắm nước
lau đi lau lại cho đến khi lon nước cạn.
Sau cùng túm miếng nylon đem đổ vô thùng cầu. Sáng 10 giờ mỗi ngày, mọi người được ra ngoài
chạy tại chỗ khoảng nửa giờ. Đây là dịp
cho tù nhìn lại các bạn khác phòng và cùng nhỏ to vài ba câu hụt hẫng!
Trong phòng lúc đầu mọi người cùng nhau tâm sự nhập nhằng, nhưng sau đó một
vài người đã bị mời lên “làm việc.” Sự nghi kỵ lẫn nhau bắt đầu lan ra. Một vài
bạn tù tự nhiên được ưu đãi và được đề cử làm Trưởng Phòng hoặc ra ngoài với
công việc nhà bếp, anh nuôi, có người tối ngủ trong còng sắt chữ U, có người bị
dời đi đâu không biết!? Rồi các buổi họp
trước giờ ngủ, ca hát mấy bản nhạc mới “Giải
phóng miền Nam,” “Bác cùng chúng cháu hành quân” vang vang….Không khí trong phòng trở nên ảm đạm càng ảm
đạm hơn với các chiêu từ từ mở ra, tròng vào đầu mọi người. Mười ngày trôi qua. Một tháng trôi qua…bao điều ước đoán trôi
qua…! Mọi người thấy cái viễn ảnh buồn
thảm cho một cuộc “tự tra chân vào cùm”
và cố gắng thích nghi theo từng biến chuyển “bóp thật chặt, mở ra từ từ,
và bóp lại..” Cái lối trừng trị nầy làm cho con người tự an ủi mình trong
so sánh với đồng bạn, rồi từ từ bị tha hóa, bị mất hết bản tính tự tại của
mình, chấp nhận hiện trạng như một vâng lời định số. Mọi người đi tới “Cũng đành” mặc nhiên chấp nhận những biện pháp trừng trị tinh vi của
bọn cai tù với mỹ danh là “cán bộ cải
tạo” vì lẽ người ta không còn cách nào để chọn lựa!.
Để tránh những cơn đói, có người
nhắn được ra ngoài cho gia đình xin đem vài mớ cơm phơi khô hoặc cốm dẹp để ăn
khi đói. Ban đầu ban quản giáo trại
không cho. Họ nói: “Để Cách Mạng lo.” Nhưng vài tháng sau họ đổi ý và cho
thân nhân gởi các đồ ăn vào: như tôm khô, cơm khô, cốm dẹp…dần dà với cái đà đó
các bà vợ bên ngoài khéo léo gởi được gạo vào.
Các bạn bè trong phòng nẩy ra sáng kiến làm lò để nấu cơm trưa. Ban đầu dùng lon Guygoz đựng gạo nước và dùng
bao nylon đốt lên để nấu. Nhưng cách nầy
bị “anh đội” ngửi ra mùi khói hôi của bao nylon khi cháy bốc lên. Các phòng bị khám. Gạo bị tịch thu, lò nấu bị quăng bỏ. Im đi một thời gian các bạn nẩy ra sáng kiến
khác lấy lon Guygoz làm thành lò nấu bằng dầu.
Bên trong nhờ các bạn làm nhà bếp bên ngoài khéo lo, đã chuyển được dầu
vào và từ đó mỗi trưa mọi người lén nấu cơm ăn. Tuy nhiên thỉnh thoảng họ khám
phòng và lấy đi mấy cái lò. Có người
dùng bao nylon gói lò lại nhận vào thùng cầu, khám xong lấy ra xài tiếp. Trước
cái đói hành hạ, người ta làm mọi thứ để có miếng ăn. Khi nấu nướng phải có người canh chừng ngoài
cửa….Tội cho các bà vợ bên ngoài cứ hằng ngày họ thay phiên nhau ngồi núp ló
đâu đó trước cổng tù để nghe ngóng tin chồng và liên lạc với các “anh nuôi” ra
ngoài chợ mua đồ cho trại hoặc đi đổ phân.
Có hôm các bà đã gởi vào các ổ bánh mì được gói kỹ trong nhiều lớp nylon
bỏ vào thùng phân đem vào cho chồng. Trước cơn thèm đói, họ bốc ra ăn ngon
lành. Tôi được anh bạn chia cho một góc bánh, chàng ngần ngừ, nhưng trước sự
nhiệt tình của bạn. Chàng ăn cũng thấy
ngon lạ! Cái lối trừng trị có vẻ nhẹ
nhàng nhưng rất thâm độc. Mọi người lo
cái đói, nghĩ đến cái đói làm sao cho được no nên đi chuyện ở tù lướt đi….!
Mấy tháng trôi qua. Họ thấy việc giam giữ tù nhân không xảy ra chuyện gì
đáng ngại cho nên dần dà họ cũng dễ dãi đôi chút ….Đến lúc nầy thì tôi và một
số bạn khác “được” đưa về Quận Phước Long vùng Chắc Băng Cạnh Đền để lao động
“vinh quang.” Họ nói: “Các anh được chọn đi lao động là các anh
thưộc thành phần ít ác ôn. Sau khi lao
động một thời gian các anh sẽ được cho về sum hợp với gia đình.” Khoảng hơn trăm người đa số là sĩ quan
làm ở các phòng ban hoặc các bộ phận chuyên môn như quân y, truyền tin, quân
nhu…được xe chở đi vào một buổi sáng trong bầu trời u ám của mùa thu sắp về!.
Sau hai tháng cật lực gian khổ với đồng hoang, ruộng vắng, đội hơn trăm người
được lệnh tập hợp. Sau khi “Biểu dương
thành tích” cán bộ trại cho biết có lệnh trở về…về đâu!....con đường sum hợp gia đình….? Không! Hơn trăm người sau nhiều giờ băng đồng, đi
ghe cuối cùng lên xe đi về trại tù! Lại
sống trong chiếc hòm tường gạch!
Tin đồn nầy, tin đồn nọ. Nhiều hỏa
mù được tung ra….Và cuối cùng toàn trại chuyển lên Cần Thơ sau khi tách rời một
số sĩ quan cấp cao, cấp thấp. Hơn 3000 sĩ quan cấp Đại Úy của toàn vùng quân
khu 4 vùng 4 chiến thuật tập trung về hậu cứ cũ của Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 21
Bộ Binh ở Trà Nóc..
Cũng đành một kiếp tù thôi
Đã buông tay súng đánh rơi sơn hà
Còn gì? núi hận máu sôi
Đành ôm tủi nhục nuốt lời thề xưa
Ngày nao còn dưới bóng cờ
Bữa nay cùm gối, tắt rồi lửa thiêng…!
Mùa Xuân sắp về, gió lành lạnh từng cơn thổi qua khung cửa hở. Thoảng bên
ngoài xa xa nghe vọng lại bài hát “Trên
bốn vùng chiến thuật” của nhạc sĩ Trúc Phương và vài bài nhạc cũ khác, toàn
là nhạc lính. Hằng đêm từ ngoài vòng rào
kẽm gai, tiếng hát của Thanh Thúy, Chế Linh, Duy Khánh cứ vọng vào từ khoảng 10
đến nửa đêm. Không biết tin xuất phát từ
đâu? Anh em rỉ tai nhau: “Phái đoàn bốn
bên gồm: Phái đoàn MTGPMN do bà Nguyễn Thị Bình cùng với các phái đoàn phía Bắc
Việt, Việt Nam Cộng Hoà và Mỹ vào để họp. Tất cả các sĩ quan sẽ được phái đoàn
Việt Nam Cộng Hòa rước về.” Có người tin, có người nghi ngờ. Tuy nhiên, tin tức
được loan ra như một điều gì đó khác thường?. Anh em bàn tán nhỏ to rồi cũng đi
qua.
Tết lại đến, các láng tổ chức đón Xuân. Nào Xuân
Không Quân, Xuân Hải Quân…..mỗi binh chủng làm một buổi họp mặt Xuân ca nhạc
với các nhạc khí tự chế. Đội múa lân được thành lập, đầu lân cũng
được các bạn tự chế. Đoàn lân được lịnh của Ban Quản Giáo Trại phải múa ở Ban
Chỉ Huy Trại trước rồi mới đi đến các láng sau. Nhưng anh Trưởng Đội Lân không
làm như vậy. Đoàn lân đi múa các láng
trại trước. Mỗi láng trại anh em treo
các phẩm vật lủng lẳng trước mỗi phòng như rau trái và cá nục….toàn là thức ăn
do trại cấp phát. Đội lân đi vòng hết các láng về tới trước ban chỉ huy và đốt
bỏ tại đây. Việc nầy chứng tỏ sự gan dạ của đội lân “chúng tao không khuất phục bọn mầy!” Đây là một thách đố ngoạn mục làm tên Trưởng
Trại giận tím mặt. Tối hôm đó đoàn lân bị Ban Quản Giáo Trại nhốt vào thùng sắt
(connect). Sáng hôm sau có lệnh không đi
lao động, mới 7 giờ sáng tất cả trại viên ra khỏi láng. Họ khám trại.
Một số sách báo, thơ văn, dụng cụ cầu cơ…bị tịch thu. Tối hôm đó lại họp
trại. Tên thiếu tá trưởng trại tên Song nói: “Đất nước ta đã độc lập các anh còn cầu cơ: “non song nhị lộ ra biên
trấn” tôi cho các anh vô thùng sắt trấn.
Giờ nầy mà các anh còn mơ màng tìm đường đi liếm gót Đế Quốc Mỹ…”
“Connect” là một thùng sắt lớn dùng để chứa hàng hoá và di chuyển bằng xe kéo.
Thùng sắt bưng bít không có lổ thông hơi, ở hậu cứ trung đoàn trước đây dùng
các thùng nầy để chứa đồ. Hai ngày sau có tin một vài anh bị nhốt
trong thùng sắt bị ngộp nóng, khi được cho thức ăn nước uống, họ mới hay một số
bị xỉu và chết vì bị ngộp và da bị bỏng đỏ.
Họ thả các anh còn sống ra và đem vùi dập xác các anh bị chết ở bãi đất
trống ngoài rào. Các anh còn sống như
những cọng bún thoi thóp tàn tạ với vết bỏng rát khắp mình mẩy.
Sau Tết, vào một buổi sáng không đi lao động, mọi người nghe tiếng chân
chạy rầm rập của bộ đội với tay súng lườm lườm trong tay, vài chiếc thiết giáp
cơ động chạy nhanh qua các láng. Tin miệng qua miệng: “Hôm nay thi hành hiệp
định Ba Lê, phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa vào rước các sĩ quan về.” Một số cả tin vui mừng reo hò, một số lặng
lẽ, một số nghi ngờ…? Độ hai tiếng trôi qua.
Các bộ đội rút đi. Các xe rút
đi.. Chẳng có bàn giao gì đâu! Một cái
bẫy lớn lại được bọn chúng tung ra. Một
số đông anh em làm hội Xuân ca hát hồi Tết, một số anh em vui mừng reo hét tin
được rước về? Tất cả bị đưa đi biệt giam mà địa điểm thì chẳng biết ở đâu?
Sau đó vài ngày thì lại có tin chia trại được rỉ tai. Nhiều hỏa mù lại được tung ra…Anh em bây giờ
dè dặt đề phòng…..Cuối cùng một buổi họp toàn trại được tập họp ở sân vận đông
nằm trong khu vực trại. Sau khi lên
tiếng bình phẩm thái độ bất tuân của một số anh em, một Toà Án được thành lập.
Họ tuyến bố tử hình hai trại viên trốn trại. Toàn trại lúc trước gồm 4 trại,
nay chia làm hai: Trại 1 thuộc các thành phần cấp Trưởng và Phó như: Tiểu Đoàn
Trưởng, Tiểu Đoàn Phó, Pháo Đội trưởng, Pháo Đội Phó…..và các vị sư, linh mục
tuyên úy, các sĩ quan trong ngành an ninh, chiến tranh chánh trị…Họ phân loại
nhóm nầy là ác ôn đưa ra Bắc. Trại 2 gồm các thành phần còn lại ít nguy hiểm
hơn đưa về phương Nam….
Mùa Xuân đến trong niềm đau đớn tủi nhục của đoàn quân bại trận đầu hàng,
lần lượt xuống tàu. Cuộc đời của chúng
tôi đi về đâu? Chúng tôi đã hết đường
lựa chọn. Cũng đành! Một thái độ cam chịu đau đớn cùng cực…! Chúng tôi thật sự bị mất hết mùa Xuân từ đây!
Ba chiếc tàu đóng theo kiểu Thái Lan chạy suốt mấy ngày mới tới chỗ “Đổ
quân.” Chặng đường 2 ngày ba đêm, người
tù cải tạo nằm chật ních trên sạp tàu, lù mù trong bóng tối dưới khoang hầm.
Mọi người tự hỏi: “Đi đâu? Họ đem mình đi đâu?”
Có vài anh bạn phục vụ cho các cán bộ được lên xuống rỉ tai: “Tàu đi về
hướng Rạch Giá …tàu ra đến sông Ông Đốc…”. Tàu chạy chậm lại và cập vào bờ
đất. Khoang hầm được mở ra. Ánh sáng
tràn xuống làm hoa mắt. Một “Anh đội”
non chẹt quát xuống: Các anh chuẩn bị đổ quân…Mọi người buồn bã thu xếp gói
quần áo và vật dụng cá nhân ngồi lên chờ đợi.
Mấy ngày nằm vã với mùi hôi hăng hắc của nước lẫn dầu phía dưới sạp của
khoang tàu, gió và ánh sáng lùa vào làm mọi người dễ chịu đôi chút…Một cái
thang cây được bỏ xuống. Đoàn tù lần
lượt leo lên. Ngoài xa xa là một vùng
nước mây mù mù. Một anh bạn nói: Ngoài
kia là cửa sông Ông Đốc chạy ra biển Đông.
Tất cả đoàn quân của ba chiếc tàu được xếp hàng trên vùng đất khô, có vài
chỗ deo dẻo, nhưng đứng trên được. Sau
khi kiểm quân xong mọi người ngồi ngay hàng tại chỗ cho đến lúc ban nhà bếp
mang cơm gánh trong các bị cần xé phân phát cho buổi ăn chiều. Nắng rát mặt phả lên đầu lẫn mùi hăng hăng
của vùng đất ẵm nước biển, của các động vật dã hoang chết đâu đó làm bữa ăn vội
vã đi qua. Tất cả được lệnh di quân đi hàng một vào sâu phía trong và dừng lại
một khoảng đất trước vài cái chòi lá để đợi lệnh. Trời xế bóng, nắng dịu
hơn. Cái không khí nơi đây thấy dễ thở.
Trời mây trong vắt, từng đoàn chim bay từng bầy rợp trên bầu trời. Tôi tự hỏi:
“Mình đi về đâu vào khoảng rừng trước mặt… ?” Một anh bạn kề tai nói nhỏ: “Hồi
đó tao có đổ quân đánh một trận vào U Minh.” Anh chỉ tay tôi về phía xa xa,
nhưng vì rừng tràm, sậy chắn ngang mặt nên tôi cũng chẳng thấy gì chỉ ừ hử. Anh
nói chắc tụi nó đem mình vô đó: “Rừng U Minh”, tôi nghe loáng thoáng như thế.
Trời tối dần, một toán du kích tới bao quanh với họng súng chĩa vào đoàn.
Một tên Trưởng Đội nói lớn: “Một chút nữa hành quân, các anh đi hàng một không
được để đứt hàng, người sau nhìn người trước. Ai bỏ hàng coi như muốn chạy trốn
sẽ bị bắn bỏ. Các anh nhất trí chưa?”
Mọi người la “nhứt trí” nhưng rời rạc.
Hắn la lớn: “Các anh nói lại.
Nhất trí! nhất trí, nhất trí…. “
Hơn một ngàn người bại binh đi trong bóng đêm với vài ánh đèn pin chớp
loé, có lúc phải lội qua các mương rãnh, quần áo ướt sũng nước pha lẫn mồ hôi
vã mặt mày. Anh bạn đồng hành là một nha sĩ làm việc ở bệnh viện chung với tôi.
Anh không quen vất vả nên cứ bị thụt lùi ở phía sau vì mệt. Tuấn phải gánh dùm
anh một gói đồ cá nhân và hối anh đi theo.
Trong đêm tối tôi nhìn anh phờ mệt với cặp kính cận dầy trễ tuột xuống
hai cánh mũi. Trông anh thảm hại vô cùng. Tôi vốn là con nhà nghèo từ thuở nhỏ,
lại có thời gian là lính trận cho nên quen nhọc nhằn, còn anh thì không
quen. Khoảng hơn hai giờ băng rừng băng
bụi. Lúc đó hơn 10giờ đêm, đoàn quân
dừng lại và ngủ dọc trên bờ đường đất. Tôi cùng anh bạn Nha Sĩ trải miếng vải
nhựa, giăng chiếc mùng nhà binh nằm quay đầu nhau ngủ.Vì quá mệt mỏi nên hai
người vùi vào giấc ngủ say. Sáng ra, mặt
trời hồng một phía rừng tràm, sậy. Tôi và anh bạn nhìn một đàn muỗi bụng căng
đầy máu của một đêm ăn hút no say bay là đà với cái bụng căng tròn đỏ. Anh bạn
vỗ đập một lúc hai bàn tay đầy máu. Tôi nhìn hai khúc tay hở của mình cũng đầy
những đốt muỗi. Muỗi rừng đói khát…!
Tôi tưởng đây là điểm dừng tạm, nhưng không phải! Nắng sáng rực rỡ hơn phía khoảng rừng trước
mặt, lệnh truyền các toán trưởng đi họp.
Cả đoàn quân được chia ra từng nhóm 10 người với 20 thước vải nhựa dùng
làm trại đóng quân tại bờ mương nầy. Mỗi
toán cử một người ở nhà giữ đồ và lo nấu cơm cho toàn toán, một anh lo đi cải
hoạt, tìm rau cỏ, câu cá hoặc bất cứ việc gì để có đồ ăn cho bữa ăn 10 người.
Tất cả tám người còn lại đi chặt cây tràm nhỏ và cây sậy về che lều. Buổi chiều lều đã được căng xong. Các thanh sậy được lót xen kẽ với cây tràm
làm hai mái lều. Căn lều được dựng lên
tương đối che được nơi ăn ngủ cho tù nhân.
Có điều cực cho mấy anh chàng lớn con như anh H., anh Đ., muốn vào lều
phải mọp lưng bò vào. Lúc rời trại ở Cần
Thơ mỗi người được cho một miếng tôn, dùng cây vụn để đóng thành khung, được
chở bằng xuồng máy từ tàu lớn đem phát cho mỗi người nên chỗ nằm tương đối ấm
lưng. Chiều xuống rừng buồn hiu hắt,
muỗi vo ve bay như bụi mỏng, quơ tay có thể nắm trọn vài mươi con. Mới 5 giờ chiều mọi người đã giăng mùng ngồi
vào trong để chuyện trò với nhau. Có anh kéo thuốc lào nhả khói mù thơm phúc.
Tôi bò ra, đi nhanh về phía anh bạn thử một hơi thuốc say nhừ. Mấy anh bạn cười sằng sặc vì cơn ho vật vã
của Tuấn. Cả hơn tiếng đồng hồ tôi mới
đi về được chỗ mình ngủ. Anh bạn Nha Sĩ nằm kế bên đã ngủ từ lâu. Có vài tiếng ho húng hắng của anh nào đó ở
căn lều kế bên. Gió từ cánh rừng thổi
lùa làm miếng vải nhựa hở kêu phành phạch.
Có vài tiếng cú kêu “cú cú” ở một nơi nào không định hướng được. Buổi tối nằm trên bờ mương giữa rừng U Minh.
Tôi moi tấm hình trắng đen của vợ con ra từ gói đồ, nhìn mờ mờ trong ánh đèn
dầu nhỏ làm bằng hũ chao. Nước mắt chàng
trào ra mặn môi vì nỗi nhớ con…! Tôi tắt đèn và nằm trằn trọc mãi đến một lúc
nào đó rồi ngủ thiếp đi.
Gió lùa xa tận rừng thâm
Gió đưa giấc ngủ căn phần xót xa
Có như vừa mới hôm qua
Đời trăm giấc mộng bỗng sa dốc ngàn
Đêm U Minh đêm mộng tàn
Đón đời mưa gió vùi thân đau hờn
Trời hừng sáng, tôi thức giấc
vì cái lay mình đánh thức của anh bạn Nha Sĩ: “Dậy đi ông–Sáng rồi!” Tuấn chần chừ mở
mắt vì chàng biết hôm nay chưa có chương trình đi lao động, có lẽ Trại cho xả
hơi một ngày. Anh bạn Nha Sĩ kéo thuốc làm bằng hũ chao kêu ro ro và ngửa mặt
thở khói. Thật ra anh chỉ lấy thuốc điếu ngắt ra và dùng cái hũ chao làm bình
hút như điếu cầy hút thuốc lào. Anh nói hút như vầy đỡ hao. Anh giục: “Dậy đi,
tôi pha cà phê xong, làm vài hớp cho tỉnh.
Hồi hôm ông thức khuya, bộ nhớ vợ hả?” Tôi ngồi dậy chống chế: “Nhớ
thằng con quá anh ơi!” Anh cười hề hề lộ
hàm răng trắng đều: “Thằng con anh lớn hơn con gái tôi một tuổi. Ờ.. bằng tuổi đứa thứ hai của anh.” Tôi ngồi
hẳn dậy, thu xếp mùng mền và ngồi bên anh hớp một ngụm cà phê đựng trong lon
Guizgo. Anh nhóm cho tôi một nhúm thuốc. Tôi rít nhè nhẹ vì sợ say như hồi tối.
Anh cười nói: “Không phải thuốc lào đâu mà sợ!” Tôi và anh Nha Sĩ hồi đó làm
chung bệnh viện Tiểu Khu. Anh làm việc chuyên môn còn tôi là Sĩ Quan Quản Lý lo
phần Hành Chánh cho nên cũng ít khi gặp nhau, nếu có chăng cũng chỉ có cái chào
tay và nụ cuời. Ngoài giờ tôi đi nhậu
với bạn bè, còn anh thì bận với phòng khám Nha Khoa tư. Đôi khi cũng có lần ngồi với nhau uống rượu,
đánh bài chơi giải trí cuối tuần. Anh vui vẻ, cởi mở và luôn có nụ cười hề hà
sảng khoái. Với anh có lẽ cuộc đời được đầy ưu đãi. Hồi nhỏ đi học, tốt nghiệp Đại Học, nhập ngũ
với chuyên nghiệp, ra trường được đưa về làm tại bệnh viện. Cho nên sự gian khổ đối với anh không có.
Trong những ngày tháng bị nhốt tù, tôi với anh như có một duyên ngộ luôn có dịp
đi chung với nhau cho dù bao lần chuyển trại.
Cũng từ nhiều ngày tháng chung đụng, thâm tình giữa tôi và anh gắn bó
hơn. Tôi chỉ cho anh cách nấu cơm khi anh được phân công làm anh nuôi hoặc giả
nếu ở nhà với anh thì tôi có nhiều dịp giúp anh hơn. Anh chưa quen vất vả với
những công việc tay chân nhưng anh vẫn cố gắng làm vì ở thế chẳng đặng đừng.
Anh đã nấu được nồi cơm to cho mười người ăn cùng các công việc khác mà không
bao giờ tỏ ra buồn nản? Không biết trong
đêm một mình nằm gác tay lên trán anh có nghĩ gì không? Chắc phải có!
“ Nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại” bọn tôi ở khám hơn sáu tháng với
biết bao buồn đau, rồi cũng thích nghi!
Bây giờ họ đưa đi lao động chốn rừng thiêng nước độc U Minh nầy chắc rồi
cũng vượt qua. Trong cuộc sống điều mình nghĩ tới thì vô vàn lo ngại nhưng bước
chân vào cuộc rồi thì người ta không còn lý giải nữa mà cố ngoi mình trong tình
huống để vượt sống. Cả một đoàn quân hơn
ngàn người bị đưa vào đây với lời hăm dọa: Chung quanh đây là vùng của chúng
tôi, người của chúng tôi, các anh đừng nghĩ đến trốn, chạy không thoát
đâu! Cũng đúng như lời họ nói. Khi tù đi làm lao động bằng xuồng để tải đồ,
trên các điểm dừng, có người dùng cái nón nhựa làm gàu kéo, múc nước từ dưới
sông lên nấu cơm ăn, bị mấy gia đình gần đó chửi rủa: Liệng bỏ mấy cái nón nợ
máu đó đi, tui mầy còn bẹo nó làm tao ứa gan, liệng ngay! Vì mới xuống đây
không lâu nghe họ la chửi la, có anh bỏ tuột chiếc nón trôi chìm theo dòng
nước. Tôi nghĩ họ bị nhồi sọ quá mức cho nên mới ra nông nỗi như vậy. Sau buổi đi lao động đó, trại ra lệnh thu hồi
các nón nhựa và răn đe thêm: “Đó các anh
thấy dân ở đây họ hận các anh thế nào chưa? Cẩn thận không được đi đâu dưới ba người nhé!” Tôi suy nghĩ: “Đây chắc lại là đòn phép
để làm cái vòng vây, làm nản lòng cho ai muốn trốn trại chăng?” Hơn sáu tháng bị giam giữ ở trong khám, hơn
sáu tháng ở trại tập trung Cần Thơ, tôi học được một điều mà trước đây khi nghe
nói tôi chưa phân định rõ “Đừng nghe
những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn
những gì Cộng Sản làm” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bây giờ thì Tuấn mới thấy ông nói đúng. Họ dùng chánh sách chiêu dụ, hăm he-bóp
chặt-mở lỏng và bóp chặt hơn. Họ nói đi
học mười ngày rồi về. Bây giờ thì ai học
tốt sẽ được cứu xét cho về. Học
Tốt! Học điều gì? Và cái gì để định giá
cái tốt? Lâu lâu họ thả một nhóm ít
người…xử một số người mà họ gán ghép nhiều tội danh lờ mờ. Người tù đành chấp nhận cho trôi qua ngày
tháng với ước mong rồi mình sẽ được về với vợ con, gia đình! Chính cái ước mong nầy đã cho Tuấn và bạn bè
vượt qua nhiều cam go buồn bã.
Đưa đoàn tù xuống đây với mục đích là xây dựng nông trường sản xuất Thống
Nhứt. Công việc đầu tiên là tất cả tập
trung đi phát hoang, đắp nền nhà, đốn cây, cất láng trại. Mỗi ngày toán trưởng lên C trưởng họp, nhận
lệnh và về lều dẫn anh em đi làm. Lúc
mới tới đây là vào khoảng cuối tháng giêng.
Bây giờ là đầu tháng 4. Trời bắt đầu oi bức và có hôm mây đen vần vũ như
sắp có trận mưa lớn. Những cánh rừng
ngày xưa bây giờ đã được dọn trống trải bạt ngàn. Vài căn nhà lớn đã được dựng
lên theo từng khu vực. Nông trường bước
đầu gần thành hình.
Mưa bắt đầu rơi hạt, đồng vắng loang loáng nước. Đội nông nghiệp được thành lập. Nhóm đầu đi gieo mạ. Nhóm khác đi thu dẹp các bã sậy được dọn theo
nhiều luống trước đây, đem đốt làm phân.
Mưa nặng hạt, mưa dầm dề mỗi bữa.
Các căn lều nhiều khi bị gió thốc bay tốc một phần miếng nhựa. Cả nhóm
10 người loi ngoi uớt trong đêm, che lại căn lều.
Mưa! Mưa ơi! Uớt đau người tù khổ!
Chớp ngang trời xé gió rách hồn tơi
Ta thấu biết một lần ta thua cuộc!
Mưa bao nhiêu đổ xuống lạnh run người
Bởi vì đâu khí hùng xưa ngang dọc
Nay cúi đầu cam chịu dấu lòng đau !
Bởi vì đâu bỏ hàng buông tay súng?
Phút giây nầy đánh mất một mai sau!
Nước bắt đầu tràn đầy trên các cánh đồng.
Mạ đủ sức cao để nhổ. Các toán
nhổ mạ đẩy những xuồng mạ rải thành hàng trên phân ruộng. Mỗi toán 4 người cấy một công. Đất ở đây là loại đất do lá mục của khu rừng
tràm trước đây bị máy bay khai hoang trong chiến dịch càn quét U Minh của mấy
năm chiến tranh, cho nên nói đất nhưng thật sự là một lớp phân lá rất dầy cho
nên phải dùng nọc soi lỗ để cấy mạ. Một
tay cầm tép mạ, một tay cầm cây nọc cấy.
Người cấy dùng tay phải đâm sâu và tay kia cắm mạ xuống. Cứ thế bốn người giăng hàng ngang cấy cho hết
thửa ruộng một công. Mặt nước lênh láng,
các đầu sậy phát chéo chơm chởm nhọn, nhiều lúc Tuấn cắm mạ xuống vướng bởi các
đầu góc sậy nhọn mà mấy anh bạn gọi là răng chó đâm sướt vào tay đổ máu. Mỗi lần bị sướt, cứ kê miệng hút máu tay, xé
một góc lai áo cột rịt vết thương và cấy tiếp.
Sau đó tôi cẩn thận hơn, đưa nhẹ xuống chứ không cắm nhanh như mới lần
đầu. Buổi cấy lúc đầu cứ kéo dài đến
trời sụp tối mới xong vì chưa quen với công việc.Vài tuần lễ sau đó, đội cấy có
vẻ quen hơn. Nắng vừa xế là xong. Thế là
một công rút lại còn ba và từ từ thành hai người cho một công. Bởi cái lệnh thi đua công cấy được phát
động. Có vài nhóm làm quá nhanh nên tất
cả phải chịu theo chỉ tiêu. Tuấn và anh bạn nha sĩ hộc hơi, đổ đớm mắt lúc mặt
trời lặn mà chưa xong. Mấy anh bạn cấy
xong vội nhảy xuống cấy hộ. Bởi lẽ đi có
nhóm về cùng đoàn cho nên cả C cùng gánh với nhau cho xong việc. Mấy ngàn công ruộng đã xong, công việc còn
lại là tiếp tục đào đất làm nền, vào rừng đốn cây to thả cột theo dòng nước đem
về cất trại. Chỉ tiêu đưa ra: Cây tràm
nhỏ thì bốn, còn cây vẹt to thì hai cây.
Suốt ngày ngâm mình dưới nước lội vào tận trong rừng sâu theo từng nhóm
mươi người. Cây chặt xong, sau khi chặt
cành lá, túm chụm lại và dùng dây chạy, loại dây leo ở trong rừng cột bó rồi
máng vào vai kéo theo đường nước về nơi tập trung. Vùng U Minh có rất nhiều
lạch xẻo nhỏ như mắt lưới, mọi người trầm mình dưới nước ngang ngực suốt ngày
kéo gỗ! Họ không bao giờ để cho tù ngơi
nghỉ, cứ quần quật với lao động. Tôi có cảm giác quên mọi chuyện, cứ xong một
ngày rồi về lại lều, cơm nước hát hò, rít thuốc lào với bạn bè rồi đi ngủ. Ngày mai lại tiếp tục công việc. Tôi nghĩ
mình đã vong than, bại trí…. Họ đã thành công huấn nhục nhóm tù. Chỉ còn lại là nỗi mong đợi được họ thả
về? Ôi! Một sự vong thân thật đau đớn và
tội nghiệp!
Các dãy trại đã hoàn tất. Vào khoảng tháng bảy mưa dầm dề. Các lều được dẹp bỏ và mọi người được dọn về
ở trong những căn nhà lớn vừa cất xong theo từng C. Lúc nầy toàn trại được thảnh thơi đôi chút
với công việc đi đốn cây về làm giường ngủ
dọc theo chiều dài của trại, phía giữa là khoảng trống. Suốt cả tháng, tất cả C đi câu cá, tìm thức
ăn. Nước ruộng mênh mông. Cá từ cá khu rừng tràm sâu đổ ra. Các mương rãnh cá nhiều vô kể. Thả mồi câu
xuống, cá ăn liền. Môt buổi đi câu Tuấn
có thể đem về hơn một bao bố cá rô mề to gần bằng bàn tay xòe. Các bờ mương chuối thì từng bụi, quầy chín
bói quằn trái, mặc sức mà cộ về. Mọi
người được ăn ngủ thoải mái nên da dẻ trở nên tốt hơn đôi chút. Đó là lúc được cho viết thơ về nhắn người nhà
vào thăm nuôi. Thì ra là vậy! Họ làm
việc gì cũng có chủ đích. Họ không muốn
người nhà, vợ con nhìn những tấm thân tiều tụy vì lao khổ.
Nhận được thư tôi, má mừng quýnh quáng đưa cho vợ tôi xem và nói: “Con đi
chợ mua một ít đồ về làm đồ ăn cho chồng con.” Theo lời dặn của Tuấn trong thơ, vợ chàng mua thịt ba
rọi kho với mắm ruốc, một lon Guigoz đường, một lon Guigoz đường trộn đậu phọng
đập dập với một ít muối và cuối cùng là một lon muối xả ớt. Tất cả là những món
ăn dành để dự trữ, còn các món ăn vài ngày như gà kho mặn, thịt kho mặn. Vì hơn
một năm không gặp tôi nên chuyến nầy ba má, vợ con và đứa em gái thứ 7 cũng
muốn cùng đi thăm. Đường đi xa diệu vợi,
gia đình tôi phải đi xe đò cả buổi mới tới Cần Thơ, ngủ tạm nhà người bà
con. Sáng hôm sau đón xe xuống Cà Mau,
đi đò đổ về hướng Năm Căn. Đến nơi trời
đã xế chiều. Đêm đến không ai thân quen,
phải xin ngủ nhờ ngoài hiên nhà người dân như một số người khác cũng đi cùng
chuyến thăm. Đêm tối vắng, gió rừng
lạnh, muỗi bay rợp trời. Má ba và vợ tôi
thay nhau quạt muỗi cho hai đứa con của chàng.
Sáng ra muỗi đốt cả nhà đỏ đôi tay và mặt mũi. Sáng sớm phải thuê vỏ lãi cùng với nhóm người
đi thăm nuôi, chạy hơn tiếng đồng hồ trên con lạch nhỏ dẫn vào trại tiếp tân.
Vì nước quá cạn, chiếc vỏ lãi không thể vào gần trại tiếp tân được, nên mọi
người phải gồng vác đồ đạc đi một khoảng hơn trăm thước. Một cuộc hành trình dài đầy vất vả cho một
cuộc thăm nuôi hai giờ như trại ấn định.
Được toán trưởng đọc tên, tôi liền băng đường đồng hơn cây số mới đến điểm
tiếp tân. Từ xa tôi dáo dác nhìn trong nhóm người đang lóng ngóng ở ngoài căn
nhà lợp bằng lá dừa nước. Tôi nhận ra má đang ẵm đứa con lớn của tôi, còn vợ
tôi thì bế đứa con thứ hai, đứa em gái và ba đứng gần bụi chuối. Tôi cắm đầu
chạy riết về hướng đó vì sợ không còn đủ giờ thăm. Tôi vội ôm con hôn và hỏi:
“Ba má khoẻ không?” Đứa em gái vô tư
cười nói: “Đâu thấy anh hai ốm!” còn vợ tôi thì hai hàng nước mắt chảy dài khi
nhìn tôi trong bộ đồ lem bùn. Tôi ôm ba má và nói mọi người vào một góc ngồi
bên trong căn nhà theo như qui định. Tôi dặn vợ tôi: “Em đừng khóc họ không cho
ai khóc lúc thăm nuôi.” Nói là nói như
vậy nhưng trong nhóm thân nhân thăm nuôi cũng có người vì quá xúc động dấu mặt
khóc. Một thằng oắt con du kích đứng gần
thấy nó quát: “Được Đảng cho đi học cải
tạo, Đảng cho đi thăm nuôi đó là ân
huệ cho mấy người. Tại sao khóc?”. Hắn dứt câu: “Không ai được khóc nghe không!” Tôi lầm bầm trong miệng: “Đồ khốn nạn! Đồ vẹt con!” Tôi cố nén
lòng, mọi người ở đây chắc cũng vậy….
Khi tôi nhìn bàn tay má trổ tràm, đôi mắt như đục hơn trước, ba thì tóc bạc
trắng. Tôi thấy nghèn nghẹn trong lòng.
Chắc ba má rầu lo cho tôi biết là dường nào! Tôi hỏi ba má về sinh hoạt
buôn bán ở nhà. Ba nói: “Tiệm mình đóng
cửa rồi, nhưng ba má có cách lo xoay trở được con đừng lo. Ba đưa tay vò tóc tôi như một đúa bé và nói
con ráng giữ gìn sức khoẻ. Vợ con của con để ba má lo không sao đâu!" Tôi
ừ hử, nhưng trong lòng xốn xang thương cho sự nghiệp ba mấy chục năm trời nay
đã chấm dứt!
Tôi ôm thằng con đầu trong vòng tay.
Nó ngơ ngác nhìn mọi người. Ôi!
tội nghiệp cho con tôi. Nó đâu hiểu tại
sao lại có những người ngồi ở đây. Tại sao có người khóc. Tại sao thằng người
kia quát la. Con ơi! Con đâu hiểu cái
gian khổ, cái đau nhục của mọi người ở đây, trong đó có ba, có má, có ông bà
nội và…Tất cả phải cam chịu trước cái đám vô học, mọi rợ như thằng nhóc du kích
kia…!
Thằng con nhỏ cứ khóc nhè. Vợ tôi nói lúc chờ anh ở ngoài kia, bị rớt cái
núm vú nó thèm nên khóc hoài. Tôi bế thằng lớn, vợ tôi ẵm thằng nhỏ đến xin tên
nhóc du kích ra ngoài kiếm núm vú cho con.
Khi tôi và vợ tôi vừa ra chỗ đứng ban nãi thì thằng nhỏ thấy cái núm ở
dưới nước ruộng, nó nói ngọng nghệu : Ó.. Ó. Tôi cuối xuống vớt cái núm lên. Nó vói tay lấy cái núm vú đưa vào miệng núp
và thôi khóc nhè.
Tôi trở vào với ba má và em gái chỉ được 20 phút nữa thì họ tuyên bố giờ
thăm nuôi chấm dứt. Má khóc nói: “Ráng
giữ mình nghe con!” Vợ tôi nói: “Anh yên tâm, em ở nhà lo cho các con và chờ
anh về.” Tôi ôm con, ôm má, vò đầu đứa em gái, gượng cười nói : “Con vào trại,
chắc không lâu đâu con sẽ về…?” Tôi hôn nhẹ bên má vợ tôi và nói: “Em yên tâm,
anh sẽ về…?”. Ba xiết tay tôi và nói: “Ba má về, con ráng lo giữ gìn sức
khoẻ!”.
Tôi xách giỏ đồ ăn quay gót về hướng trại, bước đi một đỗi xa tôi ngoáy đầu
nhìn lại thấy ba má, vợ con và đứa em đứng gần bụi chuối vẫy tay. Tôi chạy một
mạch băng đồng để không phải nghĩ ngợi vì niềm xúc động đang trào dâng lên khoé
mắt. Tôi khóc…những giọt nước mắt tuôn chạy trên hai má. một lúc lâu tôi quay
đầu nhìn lại, tôi không còn thấy bóng dáng những người thân. Hàng cây xanh che tầm mắt. Nắng xế chiều đỏ lòm một vừng mây….
Buồn con mắt ngó chiều xuống chậm
Rừng U Minh tràm sậy khói mây mù
Đàn dơi che khuất vầng mây bạc
Gió rít từng cơn lạnh âm u
Ta nhớ mẹ ta mới sáng nay
Bươn rừng, tay nách cháu lên hai
Vợ ta quảy gói mồ hôi ướt
Tay dắt con thơ bước soãi dài
Lịch sử sang trang ta thua trận
Làm tên “cải tạo” chốn rừng sâu
Đêm muỗi U Minh như sáo thổi
Ngày rong đỉa vắt bủa vây bâu
Cơm muối rau hoang ngày đơm thực
Vài tháng thăm nuôi xẻ ngọt bùi
Mỗi bận ta đau lòng buốt tận
Nhìn mẹ, vợ, con..mắt lệ nhòa
Má nay tóc bạc già hơn trước
Mắt đục quần thâm nỗi nhớ con
Tay má trổ tràm,vai áo bạc
Mới mấy năm thôi má cõi còm
Ba vuốt đầu con “con ráng học”
Sớm về đoàn tụ với làng quê
Mắt ba buồn tủi vì con khổ
Ôm siết vai con lòng tái tê
Hôn con se sắt buồn nát ruột
Cơ cầu nầy con gánh cùng ba
Đôi mắt thơ ngây nhìn dáo dác
Một tên cán bộ nói ba hoa
Em nắm tay anh run niềm tủi
Che dấu lệ nhòa manh áo tơi
Nước mắt bây giờ không được chảy
“Ân sủng Đảng cho phải mỉm cười”…!*
Rừng vắng chiều nay nắng vàng phai
Mấy thằng bạn láng nhóm điếu cầy
Thuốc lào nhả khói ngồi im lặng
Mỗi đứa như nhau một nỗi đời
Ngày tháng kế tiếp là những ngày tiếp tục đắp nền, đốn cây làm nhà. Mưa bớt dần.
Bây giờ là tháng 11, lúa bắt đầu trổ đồng đồng, những bầy cá rô, những
bầy cá lóc trước đây còn nhỏ từ hướng rừng tràm đổ ra đầy đàn. Mỗi đêm ngủ nằm nghe cá ăn móng ùm ụp vang
ngoài đồng. Mỗi đêm đi cắm câu tìm cá ăn
chứ không còn đi xa nữa. Chung quanh dãy
nhà là ruộng lúa xanh quằn nhánh. Chỉ
cần mười cần câu cắm trong vài giờ là có cá ăn dư đầy. Những con cá lóc bằng cườm tay, những con cá
rô cỡ ba ngón tay đầy giỏ. Nhớ hồi tháng
5 lúc còn ở lều trên bờ kinh. Hôm đó
Tuấn và anh bạn ở nhà lo cải hoạt và anh nuôi.
Đang lo không biết tìm câu cá ở đâu vì mới đầu mùa mưa nên khó tìm thức
ăn. Cán Bộ trại thì thông báo mọi người
không được bắt cá ròng ròng, C trưởng nói: “Chỉ ba tháng sau cá sẽ bằng cườm
tay mặc sức mà ăn!” Hôm đó tôi nghe tiếng ục ục của con cá lóc mẹ ở trước bờ
mương. Tôi ra xem thấy một bầy cá ròng ròng đỏ ối một khúc mương. Tôi nói anh
bạn Nha Sĩ: “Mình làm càng thử.” Anh bạn nha sĩ đồng ý. Tôi và anh bạn đem cái
mùng lưới ra, nhìn trước sau không thấy ai.
Hai người nhảy xuống kéo một mùng cá, đem trút vào nồi…Tôi đem muối đổ
vào và đậy lại cho nó chết mau không thôi bị lộ. Bây giờ cá lớn bằng cườm tay. Anh bạn Nha Sĩ
nói: “Họ nói đúng quá phải không bạn!”
Đồng lúa bây giờ vàng cháy. Mỗi C cử
người canh lúa đuổi chim. Chim ở đây bay
từng đàn mịt trời. Người giữ lúa phải
buộc lon dây treo vắt ra đến giữa ruộng, làm hình nộm và la hoán lên để đuổi
bầy chim bay rợp trời. Nước bây giờ cạn
ruộng, có hôm tôi nghe ục ục ở đâu gần chỗ đứng, chừng tìm ra là cái hang to ăn
vào gốc tràm mục. Tuấn cùng mấy anh bạn trong nhóm đào bươi bắt hơn năm con cá
lóc to bằng cườm chân. Một anh bạn nói
đùa: “Cá nầy già có râu rồi các anh!”
Bọn chúng tôi có một bữa ăn cá nướng trui tại chỗ, nhưng thiếu đế nhâm
nhi.
Mùa gặt lúa đến, ba người một công gặt.
Lúa được chất đống và gánh về chất đầy trước sân trại dựa. Máy đập lúa vang rền. Lúa được xếp đầy kho. Cả trại được nghỉ ngơi vài tuần đi hốt cá ở
những hố bom vì đồng khô nước rút cá tụ về đó, cứ đem bao tới hốt cá đem
về. Mọi người ăn không hết đem phơi khô.
Cán bộ trại nói: “Các anh phải dự trữ đồ ăn khô.” Mọi người ngầm nghĩ “ Chắc sẽ có một chuyển
biến nào nữa đây…?” Qua hết mùa xuân đó có một số anh được cho là học tập tốt
được trả về nguyên quán. Số còn lại
không biết ngày về là đâu!
Nông trường Thống Nhứt được thành hình với những dãy nhà ở, nhà kho cho
từng khu. Một cánh đồng lúa bạt ngàn
trải ra không còn là nơi trầm uất và u ám như trước. Đấy chính là công sức và khối óc của hơn một
ngàn quân “Cải tạo”, ở vùng Cơi Năm nầy, nếu tính thêm vùng Hòn Đá Bạc của các
nhóm khác thì hơn 2000 người. Với bàn tay và với các dụng cụ thô sơ, họ đã biến
đổi mật khu của Việt Cộng trước đây thành một nông trường sản xuất lúa
gạo. Sự hiện diện của họ đã làm thay đổi
bộ mặt rừng rú của U Minh. Họ đã thay
đổi cả suy nghĩ của người dân ở đây về cái đám người mà trước đây họ bị tuyên
truyền cho là tàn ác, thô bạo, chỉ biết bắn giết và hãm hiếp phụ nữ. Những người “Cải Tạo”, chính họ đã cải tạo
ngược lại đám du kích ngu dốt, đám cán bộ cuồng tín và đám dân bị nhồi sọ đầy
gian ác của Cộng Sản. Với phong cách hiền lành trí thức, với trình độ hiểu biết
và tài xoay trở, họ đã dạy cho đám dân, đám du kích và đám cán bộ biết đâu là
sự thật, đâu là tuyên truyền vu khống. Người
dân bây giờ đã thương mến người “Cải tạo” họ cho đồ ăn, cho dầu đốt và mỗi lần
gặp là niềm nở chào đón thân tình. Người
dân miền quê là như vậy, tình thương của họ lộ ra trong cách nói, cách làm
không khách sáo, rất cởi mở. Nhóm của
tôi gồm các Nha, Dược, Bác Sĩ đi lao động, một hôm ghé nhà một nguời dân xin
nhường bán cho một ít dầu lửa để đốt đèn.
Sau khi hỏi thăm chúng tôi trước làm ở đâu? Chúng tôi nói là làm ở Bệnh Viện Bạc Liêu. Chị nầy nói hồi năm 1972 khi Sư Đoàn 21 Bộ
Binh càn quét vào đây chị và chồng bị thương, được trực thăng tải thương về
Bệnh Viện Bạc Liêu và nằm điều trị ở trại 4.
Chị nói b/s điều trị cho chị là b/s Nh. Tôi hỏi chị biết cô y tá tên Chi
không? Chị nói: “Tôi nhớ, cô ấy tốt và
tận tình lo cho chúng tôi.” Anh bạn Nha Sĩ mau miệng: “Chị Chi là vợ của anh
nầy đó,” anh chỉ tay về phía tôi. Chị tỏ
ra mừng rỡ và hỏi: “Chị có khoẻ không và có vào đây thăm anh không?” Tuấn cười
và nói có vô đây thăm một lần. Chị nói
lời tri ân và cho chúng tôi một chai dầu lửa cùng một quày chuối…Sau đó vì biết
nhóm Y, Nha sĩ nầy, nên một số người dân địa phương bị bịnh hay đau răng có đến
Trại xin chữa giúp. Sự việc trên đã làm
mất mặt đám Trạm Xá, nên Cán Bộ chỉ huy nông trường ra lệnh “Cấm là trại viên
không được tiếp tục công việc chữa trị cho dân và cấm tiếp dân tại láng trại.” Các Cán Bộ Trại bây giờ không còn e dè cách
biệt như trước, họ gần gũi với trại viên hơn, đôi khi còn mang rượu tới nhâm
nhi với anh em. Có hôm sau khi nhâm nhi
vài ly rượu một anh cán bộ dân Hà Tĩnh nói “Nếu
bác Hồ chọn miền Nam, miền Nam thắng miền Bắc thì chúng tôi cũng như các anh
thôi.” Anh còn nói: “Vì chánh sách chung chúng tôi phải thi
hành vài điều ngoài ý muốn của chúng tôi… các anh ráng chờ thời gian sẽ được về
thôi. Chúng ta là anh em!. Tôi nghi
ngờ không biết anh ta có nói thật lòng không hay chỉ đưa giọng. Tôi lại cũng có
thể anh nói thật lòng vì cái dáng vẻ anh ta trông chân tình lắm!
No comments:
Post a Comment