CHƯƠNG
3
Tôi đặt
chân lên Côn Đảo...Tôi thực sự ở nơi yên ổn đến lạnh người vì hoang vắng. Đêm đêm chỉ nghe tiếng sóng vỗ bờ ì ào, tiếng
gió rít qua song và tiếng lòng buồn nhớ người yêu nơi đất liền. Đêm nào cũng nằm tréo chân trên bờ đá nhìn
bầu trời mênh mông đầy sao lấp lánh. Tiếng sóng vỗ bờ, quen dần với những tia
nước lạnh lém vào người làm chợt tỉnh cơn ngủ mơ mơ.
Tôi viết
thư về cho ba má: “Ba má ơi! ở đây thật bình yên, công việc ở bệnh viên cũng
không quá vất vả cho dù cả phòng thuốc của ty y tế chỉ do con phụ trách. Việc
đầu tiên là con lo sắp xếp lại thuốc men thứ tự theo bảng ABC, cách thức phân
loại thuốc, vì trước đây không có người chuyên môn chỉ có một anh can phạm phụ
trách nên thuốc men để lộn xộn. Công
việc của con là nhận thuốc từ trong đất liền gởi ra, lưu trữ trong kho, cấp
phát cho 5 trại tù, số còn lại dùng cấp phát cho công chức và gia đình họ ở
đây. Cả Ty Y Tế chỉ có 5 người. Anh Cán
Sự Y Tế phụ trách thừa hành quyền Truởng Ty, một cô Cán Sự phụ trách Phòng Sản
Khoa, một cô và một anh Tá Viên Điều Dưỡng phụ giúp anh Cán Sự chăm sóc trại
bệnh và con thì phụ trách phòng thuốc.
Nói là trại bệnh chứ thật ra chỉ có một phòng nhỏ kê khoảng 10 chiếc
giường. Ít khi thấy có bệnh nằm lại, đa số họ về nhà nằm vì các dãy nhà công
chức không xa Bệnh Viện là bao. Ai bệnh hơi nặng là chuyển về đất liền...vì ở
đây không đủ thuốc để chữa trị...”
Côn Sơn một
lãnh địa bình yên đã cho tôi có những ngày quên đi miền đất chiến tranh ở bên
trong đất liền. Tôi sống những ngày với tiếng sóng vỗ bờ đá, với những buổi đi
câu cá ngoài khơi, với những cuộc di hành qua những khu rừng âm u hoang
vắng. Hằng ngày tôi nhìn những đoàn tù
nhân xếp hàng hai, âm thầm đi ra ngoài làm lao động. Những dãy trại gạch mái ngói rêu phong, tường
gạch cao kiên cố. Bên trong là xích cùm
những tội nhân chánh trị hoặc cấm cố. Ở
hàng dương, một đồi cát vun cao, với những cơn gió rít cát mù, mà bên dưới là
biết bao xương cốt của các tù nhân đã ở lại đây muôn đời...Những nắm xương có
khi trồi lên mặt cát, chơ vơ, lặng lẽ giữa điệp khúc gió thổi qua hàng thông vi
vu và những cơn sống vỗ bờ đá ì ầm…như tiếng hú gọi triền miên của các oan hồn
vất vưởng. Những người tù thì cam đành kéo lê cuộc sống với những bước đi vô
vọng đợi chờ mút mù bản án. Tôi nhìn họ hằng ngày với ánh mắt thương tâm. Tôi
chia sẻ với họ những viên sốt rét...ho đang oặn oại vã mồ hôi trong trại giam, những lọ thuốc lao cho những cơn ho lép
phổi phún máu trên nền gạch. Trong cái bình thường ngày đó, đôi khi tôi nghe những tiếng trống
“Thùng-Thùng” từng chập theo những chiếc cáng đưa những người nhắm mắt miên
viễn về hàng dương. Mỗi ngày là một lặng
lẽ nhìn đảo tù thênh thang trầm uất. Mỗi
ngày nghe sóng vỗ biển mù. Tôi quên tôi trong ngày tháng đi qua trong vùng trời
của đảo tù Côn Sơn.
Thị trấn
Côn Sơn một mặt nhìn ra biển một mặt phía sau là dãy núi cao. Chỗ tôi ở là một dãy nhà gạch gồm 4 căn liền
nhau dành cho nhân viên y tế. Tôi ở một căn bìa gần căn biệt thự của Đại Úy
Nguyện Phúc Trân làm phụ tá đặc khu dưới quyền Đặc Khu Trưởng lúc đó là Thiếu
Tá Nguyễn Văn Vệ. Khu gia cư nhìn ra
biển. Đó là con đường chính nối nơi đây
đi các nơi trong lãnh địa Côn Sơn. Cách con đường chừng vài thước là bờ đá chạy
vòng cung theo bờ biển. Có người nói với
tôi là những viên đá nầy được đập vỡ từ phía vách núi cao và khuân chuyển xuống
đây. Qua nhiều năm tháng đã hình thành
một bờ đá chạy dài từ gần mũi Cá Mập vòng đến Hàng Dương Chi Mộ gần đến Mũi
Voi, có gần hơn 2 cây số, không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng với công việc
khổ sai nầy…người ta ví mỗi viên đá như một mạng người.
Mặt tiền
nhà tôi ở tiền hướng ra biển, sau hậu giáp ranh với phía sau dinh của nhà Đại
Úy Nguyễn Phúc Trân phụ trách Nội An, sau quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Văn
Vệ làm Đặc Phái Viên Tỉnh Trưởng Tỉnh Côn Sơn.
Hồi nầy Côn Sơn trực thuộc Vũng Tàu.
Đêm đêm tiếng sáo ai đó thổi vọng lên từ phía dinh thự….Tiếng sáo nghe
não nuột ai oán. Hồi mới đến, nơi lạ, chốn xa, tôi không ngủ được. Tiếng sáo
gieo vào tôi nỗi buồn nhớ nhà vô hạng.
Đêm thanh vắng, ngoài kia sóng vỗ vào bờ đá rì rầm nhưng tai tôi vẫn
nghe vi vu tiếng sáo bổng trầm. Tôi cố nghe để xem có giống bản nhạc nào mà tôi
biết không…? Tuyệt nhiên tôi không rõ xuất xứ mà tiếng sáo đang luyến lái âm
thanh như có nhiều uẩn khúc. Tôi nghĩ tiếng sáo là tiếng buồn của người nào đó
ở Dinh bên kia. Sau một thời gian tìm
hiểu, tôi mới biết đó tiếng sáo của một người tù với án chung thân được viên
Đại Úy bảo trợ để phục dịch và được cho ăn ở luôn phía căn nhà nhỏ sau
dinh. Có hôm tôi gặp người nầy ngồi phía
sau căn nhà nhỏ. Ông đang hút
thuốc. Người đàn ông nầy trạc ngoài bốn
mươi, mặc chiếc áo bà ba đen, mắt nhìn lên trời và nhả khói mơ màng. Ông ta trông ốm yếu thảm thương. Tù chung
thân…tôi nghĩ cuộc đời ông ta đã dính liền với Côn Đảo đến mãn kiếp….Ông tội
gì…? Chắc tháng năm qua ông bị tra tấn, đọa đày cơ khổ lắm nên thân thể ông mới
bị còm cõi như thế.
Bệnh viện
tôi đang làm là một khu nhà nằm ngang trước mặt dinh của viên Đại Úy phụ trách
Nội An kiêm Phó Đảo, cách một con đường trải nhựa không rộng lắm chừng sáu
thước. Tôi thường đi qua Bệnh Viện từ phía sau căn nhà của tôi ngang cửa hậu
của Dinh Thự. Có hôm đi làm về. Ông nhìn
thấy tôi và gật đầu nói: Xin chào Thầy. Tôi mỉm cười với ông một cách
thân thiện và nói: Xin chào chú. Ở ngoài nầy tất cả tù nhân đều gọi các
viên chức làm việc cho chính quyền tại đây bằng tiếng Thầy. Tôi hơi ngượng với
tiếng gọi như vậy vì tôi còn quá trẻ. Với tôi một thanh niên mới lớn, tình cảm
của tôi đối với họ hoàn toàn không cách biệt. Tôi thương họ nhiều vì họ là đồng
chủng, là những người vì lý do nầy, lý do khác mà phải mang vào vòng tù tội.
Nhưng với họ thì khác. Luật lệ bắt họ
phải làm như vậy.
Tôi biết
được tiếng sáo mỗi đêm là do ông tấu khúc bi thương…làm sao mà không ai oán
được từ một người tù chung thân. Nỗi
buồn của ông gởi vào thanh trúc mà ông tự làm ra cây sáo thổi. Số phận người tù chung thân…! Chắc không bao giờ ông nghĩ tới ngày đoàn tụ
với gia đình và trở lại với cuộc sống đời thường. Ngày tháng cứ oằn trên vai, trên cổ, trên
thân. Những năm tháng kéo lê kiếp đọa
đày làm sao mà không buồn. Ông kể cho
tôi nghe. Ông là một cán binh của mặt
trận Việt Minh từ cuộc cách mạng mùa Thu. Tôi chợt nhớ bài hát “Mùa thu
rồi…ngày hâm ba…”. Ông bị Tây bắt trong
một cuộc ruồng bố ở Mé Láng thuộc tỉnh Trà Vinh đâu vào khoảng trước năm 1952. Sau một thời gian bị tra tấn ở khám tỉnh, rồi
chuyển lên khám Chí Hoà. Cuối cùng ông
bị kết án chung thân khổ sai và đưa ra ngoài nầy. Sau khi qua một thời gian dài bị nhốt trong
trại, ông được đưa ra ngoài nầy vì sức khoẻ và sự tuân thủ luật lệ của ông
trong trại giam. Vả lại thời gian bị giam cũng quá dài hơn 16 năm rồi còn gì…Có
hôm tôi ngồi nói chuyện với ông ở chiếc bàn nhỏ đặt phía sau nhà. Ông nói: “Tôi hay bị động kinh vì sự tra
tấn quá tàn bạo của mật thám Tây…Giọng ông nói rất bình thản, có lẽ vì thời
gian đã trôi qua quá lâu và ông chắc cũng trở nên cứng cỏi với những thứ đó…Ông
lắc đầu và cười nhẹ. Tôi nhìn hàm răng của ông chỉ còn vài chiếc. Ông đưa cánh tay cho tôi coi đầy những dấu
vết của các tia điện dí vào. Đôi trái
tai ông lỗ chỗ những vết đen cháy của đầu điện đốt. Toàn thân ông cơ hồ nơi nào
cũng có dấu tích của sự hành hạ. Tôi nhìn ông với một nỗi cảm xúc thương tâm vô
cùng. Nước mắt tôi ứa trào…Có lẽ vì cảm
nhận nơi tôi một thanh niên mới ngoài 22 tuổi, một tấm lòng chưa vẩn đục với
thời cuộc chiến tranh và thù hận … Ông kể tiếp cho tôi nghe cuộc đời của ông. “Thầy
biết không…lúc đó chắc tôi cũng bằng tuổi thầy hay nhỏ hơn đôi chút. Tôi
nói: Tôi 22 tuổi.. Ông nói: Ờ… Ờ… Hồi đó… chắc tôi còn nhỏ hơn Thầy. Ông nói tiếp: Quê tôi là một vùng đất ven
biển nghèo nàn. Ba má tôi bị giặc Tây
giết chết lúc tôi mới lên mười tuổi. Trong những năm mồ côi cha mẹ, tôi sống
nhờ sự đùm bọc của bà con, họ hàng. Lính
Tây bố ráp, máy bay bỏ bom, cà nông bắn ì ầm về đó….Người dân quê tôi bám đất
để sống bị dập vùi chết chóc từng ngày.
Cuộc sống càng lúc càng khó khăn.
Năm lên 15 tuổi tôi theo người chú tham gia mặt trận Việt Minh hồi 45.
Tuổi còn nhỏ nên tôi chỉ được giao nhiệm vụ giao liên. Công tác của tôi đôi lúc phải vào vùng địch
chiếm đóng như vùng Long Toàn, Bến Giá, Cầu Ngang có khi qua tuốt tới Trà Kha,
Trà Cú…Các anh nói tôi còn nhỏ tuổi nên ít bị mật thám dòm ngó. Nhờ những năm nầy nên tôi biết rất nhiều nơi
trong các vùng ven biển…Ông ngừng lại để lấy hơi thở và ra chiều thân mật hơn
với tôi. Ông nhìn tôi với đôi mắt rạng
ngời và tiếp.: Tôi tên Đấu có lẽ ba má tôi muốn tôi phải sống cuộc đời đấu
tranh để sinh tồn hay chiến đấu để bảo vệ đồng bào, dân tộc đang bị áp bức bởi
giặc ngoại xăm….Tôi nhìn ông và nói:
Tôi gọi chú là chú Đấu cho thân mật nha.
Chú gật
đầu.
Thầy cứ gọi như vậy đi…
Tôi hỏi chú
Đấu:
- Hồi đó
chú đi nhiều…chú có ghé Cồn Cù không?
Chú lộ vẻ ngạc nhiên và nói:
- Tôi trụ ở
đó một thời gian khá lâu. Lúc nầy tôi
đang là thủ trưởng của Trung đội cơ động…
- Hồi đó
tôi nghe ba tôi kể lại là gia đình của tôi có tản cư từ Long Hiệp về Cồn Cù và
sống ở đó được vài năm. Chú hỏi:
- Gia đình
Thầy ở hồi năm nào? Tôi suy nghĩ đôi
giây và nói với chú:
- Gia đình
tôi về đó khoảng sau năm 1945 khi nạn Cáp Duồn của người khơme theo lính Tây
nổi lên. Họ dùng phảng kéo ngay giết
người Việt. Chú gật gật cái đầu:
- Ờ năm đó
tụi nầy giết người mình rất nhiều, xác chết đầy đồng, đầy ruộng…
- Ba tôi và
chú tôi cũng bị chúng bắt kéo ra đồng định chặt đầu…Nhưng may nhờ ông Củ (Cậu)
của tôi có người con tu lục nói với Lục Cả.
Lục Cả cho người nói với họ, gia đình tôi là người Tàu nên được chúng
tha. Sợ quá ba má tôi theo lời khuyên
của ông thầy dạy học là nên về vùng thật xa không có người Khơme để được an
toàn hơn. Ở các vùng trong, đâu đâu cũng có người Khơme… và chúng tôi về Cồn
Cù…Năm đó tôi khoảng hơn 4 tuổi.
Chú hai Đấu
kể tiếp cho tôi nghe cuộc đời đi đánh Tây của chú. Chú nói thật là gian khổ mà hào hùng. Tôi hỏi
chú:
- Sau 1954
khi kết thúc chiến tranh. Tây về nước sao chú không được thả về?
- Thầy biết
không…? Hồi đó tôi theo Việt Minh để
đánh Tây. Khi Chánh Phủ Diệm lên nắm
quyền ở miền Nam, họ gọi chúng tôi là Việt Cộng…Ông lắc đầu: “Chính Phủ Diệm
đặt Việt Cộng ra ngoài vòng pháp Luật”
thì làm sao họ thả tôi và các anh em khác về. Chúng tôi đi kháng chiến
là vì lòng yêu nước. Đa số chúng tôi ít
quan tâm đến chánh trị, đảng phái. Ai đánh ngoại xăm là chúng tôi theo. Bây giờ…! Thôi! Thì …đành mãn kiếp ở đây!
Thú thật
hồi còn trong đất liền, mỗi lần nghe Việt Cộng pháo kích vào làng quận, giật
mìn trên các lối xe chạy, người dân vô tội chết hằng ngày. Tôi rất ghét những
hành động nầy và hai tiếng Việt Cộng trở nên một ám ảnh về sự độc ác lẫn trong
hồn tôi…Tôi nghĩ rằng trong hàng ngũ anh em của chú ngày xưa chắc còn đang hoạt
động trong đất liền hoặc đã rời hàng ngũ về sống đời dân sự…Còn chú…? Tôi chỉ
nghĩ ngợi trong đầu nhưng không dám nói ra với chú vì tôi đang đối diện với một
người thật đáng thương. Một con người
hiền lành, từ tốn. Trong phong cách nói chuyện của chú tôi không thấy ngọn lửa
căm thù mà chỉ thấy một nỗi buồn thất vọng cho một ngày mai vô định của bản án
tù chung thân. Tôi nhủ thầm: “Thật là oan ức và không công bằng cho
chú”. Loài người sao quá nhẫn tâm khi
đối xử với nhau như vậy…!?
Tiếng sáo
hằng đêm vẫn buồn buồn vang lên trong những đêm thanh vắng. Tiếng sáo có bay về
đất liền để báo cho người thân của chú biết là chú đang còn sống. Tiếng sáo là
âm thanh réo buồn nhưng không vực được lòng từ tâm của con người…!
Chiều tối
dần. Tôi nghe tiếng kẻng phát lên từ các trại giam gần đó. Chú nói với tôi:
Mình ngưng ở đây, bữa khác nói tiếp nghen thầy. Tôi gật đầu và đứng dậy bước về
phòng của mình. Anh Đức chắc đang ở bên phòng cô Nữ Hộ Sinh…Căn phòng trống
vắng. Tôi ngả mình trên
chiếc giường. Mâm đồ ăn do chị Hai vợ
của Ông Hai thơ ký nấu dùm để sẵn trên bàn. Tôi nhủ thầm…Nằm một chút rồi ăn…
Trong những
ngày kế tiếp chú kể cho tôi nghe những ngày tháng ở trại 5 chuyên giam giữ các
tù nhân chánh trị. Sau nầy có một số mới
bị đưa ra đây. Mặc dù trại giam kiểm
soát nghiêm ngặt nhưng họ tổ chức được chi hội và lén lúc học tập chánh trị và
đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống. Sau
cuộc đấu tranh có nhiều người bị đưa qua các hầm cọp để nhốt. Một số bị hành hạ và chết vì kiệt lực trong
trại biệt giam.
Tôi hỏi chú
Đấu:
Chú nghĩ
sao về việc nầy. Chú ngó tôi rồi nói: “Mỗi
người có quyền quyết định số phận của mình…Các anh ấy gan dạ hy sinh vì lý
tưởng của mình…Nhưng không phải lấy tăm chỏi trời mà hoàn thành nhiệm vụ. Hàn Tín ngày xưa còn lòn trôn giữa chợ để làm
việc lớn sau nầy...Nhưng hành động tra tấn, cầm cố con người đến chết…quá nhẫn
tâm…Chú nhìn quanh quất như sợ ai đó nghe được lời chú vừa nói ra… Tôi nhìn
chú Đấu và suy nghĩ: “Bây giờ chú đang ở chỗ nào trong lập trường của chú…?”
Ngày tháng
tiếp theo là những ngày êm ả với công việc không quá vất vả, xem ra rất nhàn
hạ. Tiếng sáo của chú Đấu cứ đều đều ngân lên khúc u sầu triền miên vào từng
đêm vọng sang phòng ngủ của tôi. Chú thả
vào tiếng sáo nỗi niềm ai oán của người tù chung thân, tiếng sáo thoát vào
không gian mịt mù của đêm tối và mất hút vào cõi mịt mùng nào đó…rồi bặt âm…!
Tôi ở chung
với một người nữa đó là anh Đức, anh là một Cán Sự Y Tế đảm trách xử lý thường
vụ Trưởng Ty Y Tế vì Bác sĩ Trưởng Ty đã về đất liền. Còn tôi thì quản trị phòng thuốc. Ty Y Tế chỉ
có anh và tôi cùng với một Nữ Hộ Sinh Quốc Gia và một Tá Viên Điều Dưỡng. Phòng thuốc trước đây chỉ có một anh can phạm
tên Thành phụ trách. Anh Thành là một người tù chánh trị, có tôi ra, anh làm
phụ tá cho tôi. Ty Y Tế chỉ có 10 gường bệnh, phục vụ cho các công chức và gia
đình của họ. Mỗi trại giam đều có bệnh
xá. Phụ trách Y Tá là những can phạm có
tay nghề hoặc được huấn luyện, tự lo săn sóc bệnh cho trại. Ty Y Tế cung cấp
thuốc và khám bệnh cho những trường hợp có bệnh nặng. Ngoài ra còn có Ông Hai phụ trách kế toán tài
chánh. Nói là Bệnh Viện, nhưng thật ra
chỉ có 4 nhân viên chuyên ngành, một thơ ký và một anh can phạm phụ giúp. Thuốc
men và các vật dụng cho Bệnh Viện được chuyển ra đây bằng những chiếc Caribu
của quân đội Mỹ. Người Mỹ có một trại
làm việc đóng ở gần sân bay Cỏ Ống. Hôm
mới ra đây tôi thấy những căn nhà tiền chế cất thành hai dãy song song. Họ mặc thường phục. Tôi không thể đoán được
họ làm gì ở đây. Khi có tiếp liệu nhân
viên bưu điện đem giấy báo tới Bệnh viện, chúng tôi dùng chiếc xe cứu thương
duy nhất của Bệnh Viện ra phi trường để đem thuốc về. Thường là thuốc men và
vài vật dụng như kim chích, băng vải…Đôi lúc chúng tôi ra nhận hàng mà không
biết xuất xứ. Chỉ biết đó là những thùng
thuốc do cơ quan nào đó của Mỹ gởi tặng. Thuốc men nhận được tôi phân phối cho
5 trại sau khi giữ lại một số ít để dùng cho công chức và binh lính khám
bệnh. Thông thường, những bệnh nặng hay
ngoài sức chửa trị ở đây, chúng tôi đều chuyển người về đất liền để điều trị. Lâu lâu cũng có những chuyến tàu tiếp tế cho
Côn Sơn với nhiều cung cấp như: gạo, muối, vật liệu, dụng cụ dùng cho sản
xuất. Đôi khi, trong các chuyến tàu tiếp
tế có chở theo các tù nhân mới chuyển ra.
Công việc của tôi thật sự hết sức nhàn
hạ. Tôi cùng anh Đức và các anh bên trường Trung Học thường tổ chức các buổi ăn
chung trên bờ đá và tắm biển. Có lúc
chúng tôi đeo ba lô leo núi, những ngọn núi có nhiều khỉ và cây dâu rừng. Có khi chúng tôi tổ chức ra biển xa để câu
cá. Vào những đêm trăng mờ mờ chúng tôi chạy ghe ra biển, đến giữa hòn Trứng và
các hòn phụ cận, là một nơi lòng chảo rất yên tĩnh. ọi là Hòn Trứng vì nơi đây các loài chim biển
và chim én làm tổ và đẻ trứng rất nhiều.
Đến gần, người ngửi được mùi hôi nồng nặc của phân chim. Nơi đây xem như là tổ hợp của các loại cá,
nhất là cá Hồng. Chúng tôi thường ra đây
vào các ngày cuối tuần. Dụng cụ câu cá
là một ống tre quấn chỉ cước dài chừng vài chục thước. Lưỡi câu to và cách lưỡi câu một đoạn ngắn là
cục chì. Khi ghe chạy ra đến nơi để câu,
chúng tôi bỏ neo. Chiếc ghe lắc lư dồn
dập làm tôi bị hơi chóng mặt. Trước khi ra đi anh Đức có cho tôi uống một viên
thuốc chống say sóng. Tuy nhiên vì không quen đi biển nên tôi vẫn bị nôn ói.
Tôi cố trấn tỉnh và bắt đầu thả dây câu xuống biển. Nơi đây là điểm tụ của loại cá hồng. Những con cá hồng to cắn câu được mọi người
tuần tự kéo lên. Tôi cũng kéo được vài con. Vì không quen nên anh Đức giúp tôi
đem cá lên khoang thuyền và gỡ lưỡi câu ở mép miệng cá. Nhiều khi gặp cá to quá, chúng kéo tuôn ống
chỉ đến gần hết dây. Chúng tôi phải cố
ghì lại và từ từ ghị lại. Khi bị đau
mép, con cá đành ngoan ngoãn trôi theo dòng kéo. Tôi và anh Đức có hôm mang về
một cần xé lớn hơn chục con. Buổi sáng
hôm đó là một bữa ăn cháo cá hồng ngon do chị Hai nấu.
No comments:
Post a Comment